Đối với rất nhiều người tập sự, nhiệm vụ chọn một font cho thiết kế quả là 1 bài toán huyền bí. Dường như không có giới hạn để lựa chọn, font nào phù hợp, độc đáo, kết hợp thế nào cho đẹp?
Mọi thứ không có công thức, không có quy tắc được đặt ra. Và có vẻ như nó cần cả một quá trình phát triển, trải qua các kinh nghiệm để đem lại cảm giác tốt nhất.
Dẫu vậy bài viết dưới đây dựa trên những kinh nghiệm làm việc của tôi cho việc Chọn và Sử dụng phông chữ.
1. Phù hợp với sự kiện
Rất nhiều sinh viên bắt đầu lựa chọn một font giống như tìm một bài hát để nghe, họ tìm kiếm sự độc đáo, khác biệt nhằm thể hiện cái tôi, quan điểm thẩm mỹ của họ. Cách tiếp cận này là có vấn đề, bởi vì lúc này font chữ được chọn đại diện cho cá nhân.
Tốt hơn, hãy chọn font chữ giống như chọn một bộ quần áo để mặc vào buổi sáng. Bạn chuẩn bị đi đâu thì hãy mặc một bộ đồ phù hợp cho sự kiện đó.
Bạn đi ăn cưới thì mặc đồ lịch sự, trang trọng, đi chơi thì thoải mái vui vẻ, nhẹ nhàng, đi làm nghiêm túc nhưng không quá cầu kỳ…Bạn không thể ăn mặc sexy cho một đám tang, hay đi giày cao gót để đi leo núi.
Và cũng như tính cách con người, chúng ta đều có những tính cách khác biệt, và dẫn tới việc đi chọn quần áo bạn sẽ chọn khác nhau, và bạn sẽ có những tủ quần áo khác nhau. Nhưng tất nhiên dù mặc màu khác nhau, kiểu khác nhau thì vẫn cần hợp với sự kiện bạn tham gia.
Font chữ cũng thế, mỗi người có 1 “tủ quần áo” cho các sự kiện của mình, không nhất thiết phải giống nhau, nhưng mỗi font được xác định phù hợp với sự kiện tương ứng.
Những nhà thiết kế chuyên nghiệp đều có những bộ font được quản lý như vậy. Thông thường những font có sự đa dạng về độ đậm (thin, light, regular, bold, black, condensed, italic..).
Ví dụ như Myriad, Gotham, DIN, Akzidenz Grotesk, Interstate, dành cho kiểu không chân, và một số kiểu có chân như Mercury, Electra và Perpetua.
Một bộ family lớn như Helvetica Neue có thể được sử dụng để gây những ấn tượng, cảm xúc khác nhau. Sự kết hợp mỏng và siêu đậm luôn là niềm thích thú của các nhà thiết kế.
2. Hiểu rõ về các Family: Nhóm các font
Giống như tủ quần áo. Thách thức đặt ra là; trong vô số font bạn sẽ phân loại chúng thế nào. Các mặt chữ có thể được chia nhỏ làm rất nhiều loại. Tuy nhiên chúng ta chỉ cần chia ra làm năm loại chính cho tất cả.
Danh sách phân loại dưới đây không hẳn là hoàn hảo, nhưng nó cũng là một phân loại cho các nhóm chính.
Ban đầu tất nhiên có hai nhóm chính Không Chân và Có chân (chân nhỏ và chân lớn)
a. Geometric Sans – Loại hình học không chân
Thực sự tôi đang kết hợp 3 nhóm khác nhau ở đây (Geometric – hình học, Realist và Grotesk), nhưng đủ thông dụng để nhóm chúng.
Geometric Sans-serifs là những mặt chữ dựa trên những hình dạng hình học nghiêm ngặt. Hình dạng từng chữ của nhóm Geometric Sans thường có các nét cùng chiều rộng và theo xu hướng tối giản “less is more – ít mà hiệu quả” trong các thiết kế của chúng.
Điểm mạnh nhất của Geometric Sans là sáng sủa, khách quan, hiện đại, phổ quát; Điểm yếu nhất là chúng; lạnh lùng, vô cảm, nhàm chán.
Một Geometric Sans đặc trưng giống như một sân bay được thiết kế đẹp; Nó rất ấn tượng, hiện đại và hiệu quả, nhưng chúng ta phải cân nhắc về việc có nên sống ở đó không.
Ví dụ của Geometric/Realist/Grotesk Sans: Helvetica, Univers, Futura, Avant Garde, Akzident Grotesk, Franklin Gothic, Gotham.
b. Humanist San – Loại nhân văn không chân
Những mặt chữ không chân được thiết kế dựa trên nét bút viết tay – chúng sáng sủa như những kiểu chữ hiện đại, nhưng vẫn giữ được một số yếu tố “con người” trong đó. Hãy nhìn chữ “t” để thấy diều này.
Đó là bản chất của Humanist Sans; trong khi các Geometric Sans được thiết kế càng đơn giản càng tốt, thì các dạng chữ của Humanist thường có nhiều chi tiết hơn, ít nhất quán và thường xuyên gồm những nét mỏng kết hợp với dày – một đặc điểm của chữ viết tay.
Điểm mạnh nhất; Hiện đại nhưng không hoàn toàn chối bỏ “tính người” và tình cảm. Điểm yếu nhất: Nó có vẻ như hàng giả và hơi “bê đê”.
Ví dụ: Gill Sans, Fruitiger, Myriad, Optima, Verdana
c. Old Style – Kiểu cổ điển
Còn được gọi là “venice”, đây là những kiểu chữ “Già” nhất, nó là kết quả của nhiều thế kỷ phát triển của nghệ thuật chữ viết.
Mặt chữ Old Style được nhận biết bởi sự tương phản nhẹ giữa các nét (do hạn chế về kỹ thuật in thời đó), các hình thức chữ cong có xu hướng nghiêng nhẹ qua bên trái (giống như Calligraphy nghiêng – thư pháp).
Mặt chữ Old Style tốt nhất khi dùng vào các trường hợp cổ điển, truyền thống, dễ đọc. Còn tệ nhất là… ừm… cổ điển và bảo thủ.
Các ví dụ: Jenson, Bembo, Palatino và đặc biệt là Garamond; mặt chữ được coi là hoàn hảo nhất tới giờ, dù không ít người cố gắng cải thiện nó trong suốt một thế kỷ rưỡi.
d. Transitional và Modern – Chuyển tiếp và Hiện đại
Hệ quả tự nhiên của việc giác ngộ tư tưởng, Transition – Chuyển tiếp (giữa thế kỷ 18) và Modern – Hiện đại (cuối thế kỷ 18, không nên nhầm với Hiện đại của thế kỷ 20)
Kiểu chữ là thành quả của giai đoạn thử nghiệm với dạng hình học, sắc nét, chuyên nghiệp hơn so với những mặt chữ khiêm tốn của phong cách Cổ điển.
Những mặt chữ chuyển tiếp là đặc điểm của sự tiến bộ theo xu hướng này – như Baskerville, một kiểu chữ chuyển tiếp hoàn hảo, xuất hiện sắc bén với người xem mà mọi người tin rằng nó có thể làm “tổn thương” ánh mắt khi nhìn vào nó.
Trong đặc điểm Hiện đại, những nhà thiết kế chữ đam mê sự tương phản rõ ràng giữa các nét (đậm, mỏng), và chân đột ngột gãy ngang từ phần thân – Sự phát triển càng được thôi thúc bởi sự cạnh tranh giữa hai nhà thiết kế mà cùng dùng một mặt chữ tương tự là; Bodoni và Didot.
Mặt tốt nhất của chúng; mạnh mẽ, phong cách, năng động. Trong khi mặt tệ nhất là chúng vẫn mang hơi hướng baroque cổ điển, buồn hơi so với kiểu hiện đại.
Ví dụ về các kiểu chữ Transitional: Times New Roman, Baskerville.
Serifs hiện đại: Bodoni, Didot.
e. Slab Serifs – Kiểu chân lớn
Còn được gọi như “Egyptian”, Slab Serif có mạnh mẽ và gần đây đang rất được thịnh hành.
Kiểu chân lớn – Slab Serifs thường có những nét giống như kiểu không chân (nét đơn giản và ít tương phản), nhưng chúng dày và “đeo” thêm một hình chữ nhật ở đầu và cuối.
Slab Serifs là một kiểu rất khách quan về tư tưởng – và thường khá mâu thuẫn về tình cảm; đôi khi nó mềm mỏng, đôi khi cứng rắn, đôi khi dữ tợn, đôi khi hiện đại, nhưng cũng thỉnh thoảng chân quê.
Nó có thể truyền đạt một cảm giác công việc, như các phiên bản Heavy của Rockwell, nhưng cũng có thể hoàn toàn thân thiện như Ancher đang được yêu thích.
Slab Serifs dường như mang cá tính thành thị (ví dụ như Rockwell, Courier và Lubalin), nhưng khi áp dụng cho những bối cảnh khác (đặc biệt Clarendon) chúng gợi lại mạnh mẽ những hình ảnh biển báo ở vùng nông thôn Mỹ.
Thật khó để khái quát về Slab Serifs – Kiểu chân lớn. Để độc lập chúng mang một cá tính khác, nhưng khi kết hợp tùy bối cảnh chúng bỗng đổi tính nhanh chóng.
Ví dụ của Slab Seris; Clarendon, Rockwell, Courier, Lubalin Graph, Archer.
3. Đừng là kẻ yếu đuối; Nguyên tắc tương phản quyết định thành công
Không chỉ là nguyên tắc cho việc kết hợp các kiểu chữ, mà nó là nguyên tắc cho tất các sự vật hiện tượng trong cuộc sống. TƯƠNG PHẢN.
Đơn giản, nếu tất cả cùng cong thì không có cái nào thẳng, tất cả cùng tốt thì không có kẻ xấu… tôi không muốn đi sâu hơn về sự tương phản. Chỉ nhắc lại là, yếu tố Tương Phản là một yếu tố cực kỳ cần thiết trong nghệ thuật.
Giữ gần như tương tự hoặc khác biệt hoàn toàn – đừng do dự.
Việc sử dụng kiểu chữ đừng khiến người xem đặt câu hỏi về sự khác biệt giữa hai phông chữ. Bởi vậy đơn giản bắt đầu bằng việc dùng hai loại khác nhau trong 5 loại trên.
Hãy xem ví dụ dưới, khi mà tôi đặt Helvetica “vô cảm” đối mặt với một kiểu chữ Old Style, Bambo là một lựa chọn hợp lý. Chúng thoải mái chia sẻ vị trí trên cùng một trang.
Tuy vậy thật không may, không phải cứ đặt hai phông khác biệt hoàn toàn là bạn đã có một kết quả typography tốt. Ví dụ như Garamond và Caslon không đem lại kết quả tốt. Thông thường chúng ta khó để tìm lý do thực sự cho việc Bambo và Helvetica lại bổ xung tốt cho nhau.
Nhưng ít ra cũng có vài chi tiết khiến chúng ta có thể để ý tới; thường thì hai kiểu chữ làm việc tốt với nhau khi chúng có 1 điểm chung nào đó, còn tất cả còn lại hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt này có thể là hình ảnh (tương tự về x-height hoặc độ dầy nét), hoặc chúng có cùng một thời điểm thiết kế.
Những phông chữ cùng một giai đoạn thường cộng tác tốt với nhau. Hoặc cùng một nhà thiết kế thì càng tốt (“rất tiếc” Điều này lại khiến bạn phải nhớ về lịch sử từng font chữ).
4. Một chút cũng có thể là 1 bước tiến dài
Đây thực ra là một phần của nguyên tắc tương phản. Hãy nhấn nhá, điểm xuyết một chút khác biệt nếu có thế. Giống như bạn dùng màu, toàn bộ màu xanh, nhấn thêm chút màu tương phản với nó là đỏ, và ngược lại.
Hãy chú ý tới sự khác biệt của các phông và sử dụng hợp lý. Ví dụ; bạn không nên dùng một phông kiểu chữ thảo cho toàn bộ thiết kế. Hãy đặt đâu đó một vài kiểu chữ không chân để làm nên sự khác biệt.
Quy tắc số 5: “không có quy tắc”
Đó là sự thật, chưa có một công thức cho việc sử dụng chữ. Việc sử dụng kiểu chữ luôn đem tới những ngạc nhiên khác nhau, nhất là nó phụ thuộc vào bối cảnh sử dụng, ỹ nghĩa ngôn từ… vì thế không có quy tắc nào phải tuyệt đối tuân theo.
Hãy thử nghiệm với những kiểu chữ mà bạn yêu thích, rồi tự tạo cho mình một cách sử dụng, kiểu kết hợp theo ý bạn. Lời khuyên này gần gũi với phong cách hiện đại, khi mà đỉnh cao của quy luật là không có quy luật. Tuy nhiên để đạt được điều này bạn cần nhuần nhuyễn các cách sử dụng và kiểu kết hợp của những người đi trước.
Kết luận
Hy vọng rằng 5 nguyên tắc này giúp bạn có thể có một số kiến thức nhất định để chọn và áp dụng kiểu chữ. Cuối cùng việc sử dụng và kết hợp kiểu chữ cần sự thực hành, trải nghiệm với việc sử dụng nhiều hơn.
Một lời khuyên tốt nhất mà tôi từng có là: Hãy chọn một kiểu chữ mà bạn thích, sau đó sử dụng nó liên tục – điều này giúp bạn không bị rối loạn bởi muôn vàn kiểu chữ. Hơn nữa nó khiến bạn phải động não khi chỉ sử dụng ít font chữ, và dĩ nhiên số lượng không bao giờ bằng được chất lượng.
iDesign.vn/SmashingMagazine