Dù được tạc bằng đá, đúc bằng đồng hay bê tông, những pho tượng này vẫn tạo nên ấn tượng khó quên cho du khách.
1. Tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn, Bình Thuận
Với chiều cao 13m, dài 49m, tượng Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn với thế nằm nghiêng gối đầu lên tay, mặt quay về hướng Nam, toạ lạc trên đỉnh núi Tà Cú là bức tượng phật nằm dài nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Tượng do kiến trúc sư Trương Đình Ý xây dựng từ năm 1959 và hoàn thành năm 1962.
Có hai cách để lên đỉnh núi chiêm bái tượng là đi bộ hoặc cáp treo. Mỗi cách sẽ mang lại cho bạn một ấn tượng, song nếu có thể nên kết hợp là đi lên bằng cáp, đi xuống bằng bậc thang. Ngoài tượng Phật nằm, du khách còn có thể chiêm bái các bức tượng khác thuộc ngôi cổ tự Linh Sơn Trường Thọ (cũng trên đỉnh núi), hay trải nghiệm chuyến khám phá các truyền thuyết kì bí của hang Tổ.
2. Tượng Thích Ca Mâu Ni, Ninh Bình
Danh hiệu này thuộc về pho tượng Thích Ca Mâu Ni bằng đồng nguyên khối dát vàng, cao 10m, nặng 100 tấn ở chùa Bái Đính, xã Gia Sinh, Gia Viễn Ninh Bình, và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác nhận kỷ lục “Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam”.
Pho tượng này do các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc, được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m, dài 44,7 m, rộng 43,3m.
Ngoài kỷ lục nói trên, trung tâm này cũng xác nhận nhận hàng loạt các danh hiệu kỷ lục khác cho chùa Bái Đính như Bức tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất, bộ tượng A Nan – Ca Diếp bằng đồng lớn nhất (mỗi tượng nặng 30 tấn, cao 9m, đặt tại điện thờ Giáo chủ Thích ca Mâu ni), chuông đồng lớn nhất (nặng 30 tấn), giếng Ngọc lớn nhất (đường kính 35m), tượng ông Thiện và ông Ác bằng đồng cao và nặng nhất (đặt nơi cổng tam quan chùa Bái Đính, mỗi pho nặng 20 tấn, cao 5,2m), tượng Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng đồng dát vàng lớn nhất (nặng 80 tấn, cao 9,57m tính cả bệ), bộ tượng Tam thế bằng đồng lớn nhất (mỗi pho nặng 50 tấn). Đây còn là ngôi chùa lớn nhất và có nhiều tượng nhất Việt Nam.
3. Đại Phật tượng bằng đá lớn nhất, Đà Nẵng
Đại Phật tượng bằng đá cao 27m, nặng 3.000 tấn đặt trên đỉnh núi đầu tiên phát tích đạo Phật ở Việt Nam (núi Phật tích, Bắc Ninh), được xem như kỳ quan mới trên quê hương của các vua Lý. Tượng được tạc dựa trên nguyên mẫu tượng A Di Đà, là một trong những bảo vật từ thời nhà Lý.
Chùa Phật Tích còn là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và là di tích tiêu biểu nhất chứa đựng các giá trị văn hóa, mỹ thuật thời Lý. Ngoài hai bức tượng phật A Di Đà bằng đá có từ thời Lý và Đại Phật tượng mới xây dựng, đây còn là nơi lưu duy nhất lưu giữ những linh thú với 5 cặp đối xứng là sư tử, voi, ngựa, trâu, tê giác vốn là các di vật của đời Lý.
4. Tượng Phật bà Quan Âm cao nhất, Đà Nẵng
Ngoài việc được biết đến như một ngôi chùa đẹp, lớn và… trẻ nhất trong 3 ngôi “Linh Ứng Tự” ở Đà Nẵng, Linh Ứng Bãi Bụt nằm ở lưng chừng núi Sơn Trà còn được biết đến với tên nơi có tượng Phật Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam.
Pho tượng Phật bà Quan Âm ở đây cao 67m, đường kính toà sen 35m do điêu khắc gia Thụy Lam và điêu khắc gia Châu Viết Thạnh thi công trong 5 năm. Tượng đứng tựa lưng vào núi, hướng ra biển, một tay bắt ấn tam muội, tay kia cầm bình nước cam lồ như rưới an bình cho những ngư dân đang lênh đênh trên biển kiếm sống.
Trên mũ tượng Quan Âm có tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bệ thờ tổng cộng 21 bức tượng Phật với hình dáng, vẻ mặt, tư thế khác nhau, gọi là “Phật trung hữu Phật”.
Đến đây, ngoài chiêm bái công trình, từ vị trí của tượng, du khách còn chiêm ngưỡng vẻ đẹp khác của Đà Nẵng, với phía trước là vịnh Đà Nẵng đẹp như tranh, bên phải là một phần bán đảo Sơn Trà trầm mặc, xa xa là Ngũ Hành Sơn, Cù Lao Chàm bềnh bồng trong mây. Bạn cũng có thể tham gia khám phá núi rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà phía sau chùa.
5. Tượng Phật Di Lặc lớn nhất, An Giang
Tượng tọa lạc tại chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm, ngọn núi cao và hùng vỹ nhất vùng Thát Sơn huyền bí. Tượng có chiều cao từ chân đến đỉnh là 33,6 m, diện tích bệ 27×27 m, khuôn viên tượng Phật rộng 2,2 ha. Bức tượng đặc tả rõ nét nụ cười an nhiên, từ bi, hỉ xả và bụng to đặc trưng của Phật Di Lặc. Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương.
Đứng ở vị trí nào trên núi Cấm đều thấy tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu.
6. Tượng chúa Giê Su lớn nhất, Bà Rịa – Vũng Tàu
Được xem là một phiên bản của bức tượng Đức Chúa dang tay tại thành phố Rio de Janeiro, với chiều cao 32m, sải tay 18,3m, tượng Chúa Giê Su trên đỉnh Núi Nhỏ (Vũng Tàu) được đánh giá là bức tượng chúa lớn nhất Việt Nam và châu Á.
Tượng Chúa cao 176m so với mực nước biển và đặt trên một bệ bê-tông có bốn góc tạo hình cánh cung cao 10m. Mặt trước bệ được trang trí bằng bức phù điêu phỏng theo tác phẩm nổi tiếng của danh họa Ý Leonardo da Vinci “Bữa tiệc ly”. Mặt sau là bức tranh “Chúa trao chìa khóa cho thánh Phêrô”.
Bên trong tượng có cầu thang xoắn ốc đi từ chân tượng lên tới đỉnh. Lòng tượng được chiếu sáng nhờ hệ thống cửa sổ hình chữ “Thọ” trang trí trên áo. Một cầu thang gồm 133 bậc tam cấp trong lòng tượng dẫn du khách lên tận cánh tay của tượng Chúa. Hai bên vai và tay áo tượng được thiết kế như hai ban công với sức chứa khoảng 6 du khách mỗi bên. Đứng tại đây, du khách có thể ngắm bờ biển Vũng Tàu xanh ngát hay tận hưởng những ngọn gió biển mát rượi. Hai bàn tay tượng Chúa Kitô dài tới 2,2m, ngón giữa dài 1,1m có 9 tia hào quang làm bằng kim loại vừa trang trí vừa có tác dụng thu lôi.
7. Tượng đài Bác Hồ, Nghệ An
Công trình tượng đài Bác Hồ và Quảng trường Hồ Chí Minh xây dựng tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, sẽ chính thức khánh thành ngày 18/5 nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 113 của Người (19/5/1890-19/5/2003).
Tượng đài cao 18m được xây dựng bằng đá granit khai thác tại Bình Định, do kiến trúc sư Đỗ Như Cẩn và các giáo viên trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sáng tác và trực tiếp thi công với chủ đề: Bác Hồ với quê hương, hình ảnh Bác về thăm quê năm 1961. Tượng đài được đặt trong quảng trường rộng 11ha với sân hành lễ 8000m2 đủ chỗ cho 3 vạn người tham gia, sau lưng tượng là mô phỏng Núi Chung quê hương của Bác Hồ tại xã Kim Liên.
8. Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ
Là một tượng đài để kỷ niệm sự kiện trận Điện Biên Phủ năm 1954 – là tượng đài bằng đồng lớn nhất Việt Nam hiện nay. Là một phần trong dự án trùng tu di tích lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn 1. Với tổng vốn đầu tư 47 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp cơ sở hạ tầng 13 tỷ đồng. Được coi là một trong những công trình trọng điểm chào mừng 50 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ gồm 3 bộ đội đứng quay lưng vào nhau, nâng một em bé Thái, trên cùng là lá cờ quyết chiến quyết thắng. Tượng có chiều cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trong ruột kết cấu bê tông cốt thép, trọng lượng 220 tấn. Bệ tượng cao 3,6m kết cấu bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá mỹ nghệ, gồm 3 tầng hình chữ nhật xếp chéo lên nhau. Do nhà điêu khắc Nguyễn Hải – người từng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh thiết kế trên cơ sở tượng Điện Biên Phủ của ông trong thập niên 60 (1960 – 1965).
Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 nằm ở vị trí trung tâm thành phố Điện Biên Phủ – tỉnh Điện Biên. Nằm ở vị trí trung tâm khu di tích, cao khoảng 50m so với cánh đồng Mường Thanh, đây là địa điểm mà cả khu vực thị xã đều nhìn thấy.
Với chiều cao 12,6m, bệ tượng cao 3,6m, nặng 220 tấn. Người thực hiện việc đúc đồng là Nguyễn Trọng Hạnh ở huyện Ý Yên (Nam Định). Đây là một trong những làng nghề đúc đồng nổi tiếng Việt Nam. Năm 2003, Công ty Mỹ thuật trung ương giao cho Nguyễn Trọng Hạnh đúc tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” bằng đồng nguyên chất nhưng kết quả điều tra gần đây cho thấy phần lớn đó là đồng phế liệu.
9. Tượng gà lớn nhất Việt Nam, Lâm Đồng
Với những chỉ số ấn tượng, bức tượng gà trống bằng bê tông đang vươn cổ gáy cao 3,2m, nặng khoảng 8 tấn giữa làng K’Long, thôn Darahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng được xem là pho tượng con vật lớn nhất Việt Nam.
Bức tượng khổng lồ này được thiết kế và xây dựng từ năm 1978 đến năm 1979 do kiến trúc sư Lữ Trúc Phương thiết kế, nhà điêu khắc Thụy Lam tạc tượng, Sở Thủy lợi Lâm Đồng thi công. Ý tưởng xây tượng con gà xuất phát từ đề tài cấp nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số.
theo designs