Những dự án thiết kế không gian dành cho người nghiện hút thuốc lá dường như không quá mới mẻ. Với sự sáng tạo và thấu hiểu đối tượng sử dụng, các nhà thiết kế đã luôn đưa ra những dự án thiết thực và 3 “căn phòng” được đề cập dưới đây là một trong số đó.
Động từ “tách biệt” được đề cập nhiều khi thảo luận về một khu vực dành riêng cho việc hút thuốc lá. Những người hút thuốc lá cần có sự lựa chọn của họ về không gian hút thuốc nơi công cộng thay vì phải nép vào con ngõ hẹp hay những căn phòng ngột ngạt tách biệt ở một vài nơi… Tuy mọi người đều được bình đẳng như nhau nhưng việc hút thuốc lá dường như tạo khoảng cách nhất định giữa những người bị nghiện thuốc lá và cộng đồng. 3 không gian phòng chức năng được đề cập bên dưới là những thiết kế mới nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người vì mang lại lợi ích thiết thực đối với đối tượng sử dụng này.
1. Phòng hút thuốc thiết kế bởi Hiroyuki Ogawa
Công ty Nhật Bản Hiroyuki Ogawa Architects vừa công bố một phiên bản hiện đại của không gian dành riêng cho việc hút thuốc lá tại một trung tâm thương mại ở ngoại ô Tokyo. Thiết kế sáng tạo của căn phòng này được nhiều trang website chuyên ngành trên thế giới đề cập. Toàn bộ thiết kế trông giống như một phòng tắm hơi với nội thất bằng gỗ. “Để có không khí sạch trong phòng hút thuốc, chúng tôi đã đưa ra 2 biện pháp cụ thể.” nhóm thiết kế bao gồm kiến trúc sư Ogawa và Erika Okamoto đã chia sẻ, “Thứ nhất, bằng cách thêm vào các bức tường cong và thứ hai, bằng cách thiết lập các quạt gió”.
Căn phòng hút thuốc lá được lọc sạch không khí sử dụng 2 biện pháp: tường cong và quạt gió.
Với mặt tường bằng gỗ cong giúp đưa những làn khói về phía lối thoát khí thải trên trần nhà và phần rìa bờ tường được phát sáng là nơi người hút thuốc có nghĩa vụ phải bỏ tàn dư của điếu thuốc tại các gạt tàn ở đây. Và việc thiết lập quạt gió giữa các gạt tàn và chỗ thoát khí thải sẽ làm khói thuốc nhanh chóng được hút ra ngoài. Do vậy, không khí trong phòng hoàn toàn sạch sẽ và trong lành.
Tường bằng gỗ cong giúp đưa những làn khói về phía lối thoát khí thải trên trần nhà.
Các cửa ra vào hay tường ngăn cách với trung tâm mua sắm được làm bằng thủy tinh trong suốt cho phép người qua đường vẫn nhìn thấy được không gian bên trong phòng, trong khi các bức tường tách không gian các phòng hút thuốc lại được che phủ bởi lớp dán kính mờ. Ngoài ra, 2 gạt tàn thuốc bổ sung cũng đã được bố trí ở giữa căn phòng.
Đường đi của luồng khói thuốc
2. Phòng hút thuốc thiết kế bởi Gianni Botsford Architects
Cấu trúc phòng bê tông ở sân vườn của Gianni Botsford tại Zurich, Thụy Sĩ đã dành chiến thắng giải thưởng thiết kế Wallpaper. Phòng hút thuốc 8 mét vuông trong khu vườn này nằm tại nhà riêng của một gia đình ở Zurich. “Đây sẽ là một nơi hút thuốc lý tưởng vì có thể vừa thư giãn và vừa chiêm ngưỡng khu vườn xung quanh trong khi khách hàng của chúng tôi lại cũng vừa có thể thực hiện những thú tiêu khiển yêu thích của mình mà không ảnh hưởng đến bất cứ ai trong nhà” nhóm thiết kế chia sẻ.
Không gian phòng hút thuốc đặt trong một khu vườn.
5 tấm bê tông, vật liệu tổng hợp được tạo thêm các lỗ nhỏ bên trong, các que nhỏ bằng nhựa acrylichay còn được gọi là PMMA, được đặt vào bê tông trong một mạng lưới dày đặc. Từ đó, cho phép một lượng ánh sáng ban ngày được xuyên qua vào bên trong căn phòng. Và nhờ vào các lỗ thông khi xung quanh, không gian căn phòng sẽ không quá ngột ngạt mà ngược lại, khói thuốc sẽ được khuếch tán ra bên ngoài.
Bề mặt bê tông với nhiều lỗ đục nhỏ
3. Phòng hút thuốc thiết kế bởi Ask Studio
Dự án này mang đến một không gian “trú ẩn” cách xa chung cư giúp tạo khu vực hút thuốc lá cho người dân. Các khu vực này ở được thiết kế độc đáo như “giấu mình” vào ban ngày bởi cây cối xung quanh nhưng vẫn có camera an ninh đảm bảo an toàn vào ban đêm cho người hút thuốc lá. Việc nhấn mạnh vẻ đẹp kết cấu không gian cũng như an ninh khu vực đã tạo cho nơi này sự an toàn mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ của “căn phòng”.
Khu vực hút thuốc vừa an toàn vừa đảm bảo tính thẩm mỹ đô thị.
Sử dụng các vật liệu chống cháy trong một cấu trúc 25 mét vuông, băng ghế bê tong, tấm chắn kim loại đục lỗ, đèn LED cung cấp ánh sáng sau khi trời tối… Kiến trúc sư Cary Bernstein cho biết: “nó làm cho bạn muốn hút thuốc, do đó bạn có thể được ở trong đó.“