Trường THPT Marie Curie do Công ty Living Architecture thiết kế đã được hoàn thành giữa năm 2014. Ngôi trường được xây dựng nhằm tạo cho học sinh một không gian thoải mái, trẻ trung và năng động mà vẫn phục vụ tốt nhiệm vụ chính là học tập. Nhà hiệu bộ, khu nhà chức năng và khu học tập được phân chia rõ ràng. Các phòng học tiêu chuẩn được trang bị đầy đủ tiện nghi được thiết kế tiết kiệm không gian cho công trình cũng như tạo sự tiện lợi trong quá trình sử dụng.
Trường THPT Marie Curie do Công ty Living Architecture thiết kế
Thông tin dự án:
Chủ đầu tư: Trường Marie Curie
Năm thiết kế: 2011
Năm xây dựng: 5/2012
Năm hoàn thành: 5/2014
Kiến trúc sư chủ trì: Lê Duy Khoa
Tham gia: KTS Lê Duy Khoa, Nguyễn Việt Nam, Đỗ Phương Nhung
Chủ trì kết cấu: Đỗ Hoàng Điệp
Chủ trì M&E: Vũ Xuân Dụ
Địa điểm: Lô đất TH1 – Đường Trần Văn Lai, Khu đô thị Mễ Đình, Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Diện tích khu đất: 8910 m2
Diện tích xây dựng: 2495 m2
Mật độ xây dựng: 28%
Tổng diện tích sàn: 17 484 m2
Hệ số sử dụng đất: 1.96 lần
Diện tích giao thông quảng trường: 3974 m2
Diện tích cây xanh: 2300 m2
Cây xanh được trồng trên mái
Công nghệ trong thiết kế xây dựng và các vật liệu chính sử dụng trong công trình: công trình được thi công bằng phương pháp đang hiện hành phổ biến do giải pháp thiết kế đơn giản không gây khó khăn trong thi công, công trình với kết cấu bê tông cốt thép dầm, cột chịu lực kết hợp tường ngăn chia bằng gạch nung. Thi công bằng phương pháp đổ bê tông tại chỗ. Vật liệu sử dụng cho công trình hầu hết là vật liệu phổ biến hiện nay như bê tông cốt thép, gạch nung. Vật liệu hoàn thiện ngoài gạch ceramic, đá tự nhiên, đá marbe, gỗ công trình còn sử dụng những vật liệu truyền thống như gốm bát tràng.
Xem thêm:
- Ngôi trường học có thiết kế độc đáo – thân thiện với môi trường.
- Vector bảo vệ môi trường, tải về hoàn toàn miễn phí
- Vector khối hình nhiều màu sắc, Background Nền Vector.(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
Trường Marie Curie nhìn từ trên cao
Cây xanh trong khuôn viên trường học
Các đặc điểm nổi bật khác:
Công trình sử dụng công nghệ trồng cây trên mái: Versi Cell giúp trồng được những cây xanh to trên sân thượng tạo thêm không gian vui chơi cũng như chống nóng cho công trình.
Công trình có hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa
Công trình có hệ thống thu gom và tái sử dụng nước mưa và nương ngưng của hệ thống điều hoà vào việc tưới cây và dùng cho hệ thống xí giật.
Ngoài hệ thống cấp nước sạch của thành phố, công trình còn có một hệ thống xử lý nước ngầm được lấy từ giếng khoan, đi qua hệ thống lọc và xử lý để có được nguồn nước sạch thứ hai cung cấp cho nhu cầu sử dụng của công trình.
Khu vực cầu thang lên xuống nối không gian vui chơi và khu phòng học
Tổng mặt bằng được bố trí theo dạng “Đấu trường” – Khối học kết hợp với hiệu bộ thành một vòng cung ôm lấy sân chính của trường. Khối học hành lang bên có hướng vào sân chính và hướng đón nắng buổi chiều, với bố cục này khi có các hoạt động ngoại khoá của trường thì ngoài diện tích sân chính, hành lang các tầng sẽ thành những khán đài giúp cho việc quan sát được dễ dàng và tăng số lượng khán giả. Hướng nắng buổi chiều luôn chiếu vào phía các hành lang giúp cho mùa hè các lớp học mát hơn và mùa đông hành lang được sưởi ấm.
Công trình được phân khu chức năng rõ ràng gồm khối học và khối hiệu bộ riêng biệt. Khối học có chiều cao từ 7 đến 8 tầng và khối hiệu bộ có chiều cao 12 tầng.
Toàn bộ tầng 1 của khối học dành cho các không gian xe, không gian thể thao trong nhà, 2 nhà ăn và hệ thống bếp. Tầng 1 khối hiệu bộ là sảnh đón tiếp được mở thẳng ra quảng trường. Một phần tầng 2 khối học kết hợp với mái nhà thể chất tạo thành một sân trên liên hoàn. Tại đây đá được lát theo mô phỏng phím đàn Piano và cột được các nghệ nhân Bát Tràng dùng gốm ốp thành các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới. Sảnh này được đặt tên là sảnh Piano. Một hình thức giáo dục nhẹ nhàng dành cho các học sinh. Các lớp học được bố trí từ tầng 2 đến tầng 6. Tầng 7 là hệ thống các phòng thí nghiệm và thực hành. Tầng 8 là các phòng kho, truyền thống kết hợp với hệ thống vườn trên mái.
Lan can hành lang các tầng được chia nhỏ bởi các bức tường sắp xếp so le không đều vừa tạo cảm giác linh hoạt, vừa tăng diện tích chắn nắng mùa hè. Xen kẽ với các ô lan can là các tấm kính màu với đủ màu sắc được bố trí dọc theo mặt đứng tạo nên màu sắc vui mắt cho không gian dọc đường, cùng với ngôn ngữ mặt đứng với khối học. Hiệu bộ được bố trí các cửa sổ xen kẽ không đều tạo nên sự đồng nhất trong ngôn ngữ kiến trúc của công trình. Sử dụng một ngôn ngữ kiến trúc mạch lạc, đơn giản và hiện đại cho công trình để tạo nên vẻ thân thiện. Với tư tưởng chủ đạo trong thiết kế này, khối hiệu bộ được ốp gạch inax với màu gạch tạo nên vẻ nghiêm trang song vẫn mang tính hiện đại.
Hồ cá nhỏ
Cửa sổ các lớp học được bố trí dọc sát đất cho các cửa tiếp xúc với ngoài trời nhằm lấy ánh sáng tối đa vào sâu trong lớp học, hệ cửa sổ phía hành lang lại được thiết kế dài và cao quá tầm nhìn của học sinh trong lớp để hạn chế sự mất tập trung khi học nhưng vẫn lấy ánh sáng tốt cho không gian lớp học. Tất cả lòng cửa sổ bên ngoài các lớp học được sơn các màu sắc ngẫu hứng trên nền trắng tạo nên không gian vui vẻ cần có cho một ngôi trường và làm tăng sự chuyển động cho mặt đứng.
Cổng Trường Marie Curie được thiết kế khá cầu kỳ.
Hệ thống sân vườn xung quanh khá rộng, tạo nhiều không gian vui chơi nhằm phân tán lượng tập trung đông học sinh vào sân giữa trong những giờ ra chơi.
Với quan điểm trẻ em phải được tiếp xúc nhiều với thiên nhiên rất nhiều những tiểu cảnh được tạo ra như hồ cá koi, thác nước, đồi cỏ hay sân trúc, vườn chà là được bố trí ở khắp nơi. Sân chính trung tâm được trải cỏ nhân tạo giúp học sinh sử dụng đa năng một cách linh hoạt và tiện lợi.
Tầng 9 khối hiệu bộ là phòng hội trường được thiết kế vươn sang bên khối học và được đỡ bằng hệ cột chữ V hiện đại. Hội trường này tạo sự liên kết giữa khối học và hiệu bộ xong với một liên kết rất “bay” như muốn nói lên thông điệp giáo dục cởi mở của nhà trường.
Sảnh piano ở tầng 2 là nơi vui chơi của học sinh. Tại đây, các cột nhà được thiết kế in hình các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới.
Cổng chính – Cổng Trường Sa được thiết kế với ý tưởng đi từ ngoài vào trường như được dang rộng đón tiếp còn khi đi từ trong trường đi ra như một khung cửa mới – một khung cửa tương lai rộng mở từ ngôi trường này. Tên cổng Trường Sa được Thầy Hiệu trưởng đặt với mong muốn hàng ngày được nghe thấy bố mẹ hẹn đón con: “Bố đợi con ở cổng Trường Sa nhé…” để thấy rằng Trường Sa, Hoàng Sa rất gần gũi với học sinh của trường nói riêng và với mọi người nói chung.
Hội trường đa năng với những ô cửa đầy màu sắc
Mặt bằng tầng 1
Mặt bằng tầng 4,5,6,7
Mặt bằng tầng 8
Mặt bằng tầng 9
Mặt bằng tầng 10
Mặt bằng tầng 11,12
Mặt cắt
Mặt đứng hiệu bộ
Mặt đứng hiệu bộ 1
Mặt đứng khối học
TẠP CHÍ 247 | Ms. Gin Getsu | Nguồn: kienviet