Hầm dìm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn là một trong những dự án đồ sộ của khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo ra sự giao lưu về mọi mặt cho người dân địa phương. Và đây còn là hầm dìm đầu tiên được xây dựng ở Khu vực Đông Nam Á.
Hầm Thủ Thiêm – rút ngắn thời gian đi lại từ quận 1 sang quận 2 chỉ còn hơn 1 phút.
Hầm Thủ Thiêm – kết nối đôi bờ
Bán đảo Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm TP.HCM khoảng hơn 300m đường sông. Vùng đất bán đảo này có diện tích 737ha, hiện đang là nơi sinh sống và làm việc của khoảng 40.000 dân. Kinh tế Thủ Thiêm chỉ tăng trưởng khoảng 5%/năm, chủ yếu người dân sống bằng sức lao động từ các công xưởng ven bờ sông Sài Gòn và phần còn lại sống nhờ các nghề tự do với dịch vụ trên sông, buôn bán nhỏ là chủ yếu. Nông nghiệp hầu như không phát triển do đất hoang hóa nhiều. Các nguồn lợi từ thủy sản hầu như không có. Vì thế, Kiến trúc sư Trang Bảo Sơn, Phó trưởng BQL dự án Thủ Thiêm nhìn nhận, không có lý do gì để chỉ cách nhau một con sông mà hai bên lại giàu – nghèo tương phản như vậy. Mặt khác, Thủ Thiêmlại có cảnh quan hết sức lý tưởng mà nhiều nước trên thế giới mơ ước để phát triển đô thị trung tâm với các trung tâm thương mại, tài chính quốc tế.
Phía quận 2 của Hàm Thủ Thiêm là Đại lộ Đông – Tây.
Do đó, Hầm Thủ Thiêm được xây dựng thành công sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại từ quận 1 sang quận 2 chỉ còn hơn 1 phút so với với trước đây và tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông thuận tiện hơn. “TP.HCM sẽ có đường vành đai có thể nối thành vòng tròn, biến quận 2 trở thành trung tâm tài chính – dịch vụ – thương mại cao cấp, có hệ thống hạ tầng hiện đại với một không gian sống, làm việc lý tưởng dần thành hiện thực. Khi đó, phố Đông Sài Gòn (Thủ Thiêm) không phải là cái tên mơ ước nữa.” Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM chia sẻ.
Thực hiện hầm dìm hiện đại nhất Đông Nam Á
Hầm Thủ Thiêm dài 1.490m, bao gồm 371m hầm dìm (tên phương pháp thi công loại hầm này),phần dẫn lên bờ dài 770m, đảm bảo cho 6 làn xe lưu thông và có hai đường thoát hiểm cùng các thiết bị thông gió, chiếu sáng, hệ thống cấp nước, chống cháy, đo đạc độ ô nhiễm không khí và hệ thống đếm xe… Ngoài ra, hầm còn có hệ thống loa phóng thanh, báo động khi xảy ra sự cố.
Khi xây dựng hầm dìm, trước tiên phải xây dựng bể đúc hầm rộng khoảng 6 ha trên khu đất rộng khoảng 10 ha ở phía Q.2. Bể đúc tương tự như một âu thuyền, đảm bảo có thể chế tạo cùng lúc 4 đốt hầm, mỗi đốt có dạng hộp đôi rộng 33,3m, cao 9m, dài khoảng 90m, trọng lượng mỗi đốt nặng đến 36.000 tấn. Cùng với việc đúc các đốt hầm, nhà thầu đã tiến hành nạo vét trên 450.000m3 bùn dưới đáy sông Sài Gòn với độ sâu gần 30m và xây sẵn móng để đặt các đốt hầm xuống.
Sau khi đúc xong, các đốt hầm tạm thời được bít kín lại, rồi cho nước vào bể đúc để các đốt hầm nổi lên. Sau đó, dùng xà lan kéo các đốt hầm này ra sông và đánh chìm đúng vào vị trí móng đã được ấn định, rồi dùng kỹ thuật để nối ghép các đốt hầm này lại thành một đường hầm nằm sâu dưới đáy sông.
Ngoài hầm dìm, ở 2 bên bờ là những đoạn hầm kín và hở với phương pháp thi công ít phức tạp hơn. Vỏ hầm có kết cấu bê tông cốt thép, dày 1,2m, đảm bảo chịu lực, chống thấm tốt và được kiểm tra kỹ khi còn ở trên bể đúc.
Đây là một phương pháp thi công nhanh và hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới áp dụng (đặc biệt là ởNhật Bản, đất nước có nhiều đảo) và họ đã làm rất thành công. Ở Úc, Hồng Kông cũng đã làm hầm dìm; còn ở Đông Nam Á thì hầm Thủ Thiêm là hầm dìm đầu tiên. Obayashi (Nhật Bản) là một tập đoàn lớn có kinh nghiệm về thi công hầm dìm, đây cũng là đơn vị thầu xây dựng công trình này.
Những khó khăn mà không phải ai cũng tưởng tượng ra được
Tuy vậy, việc đi sâu dưới mặt nước cả chục mét và làm thế nào để lai dắt một đốt hầm nặng hàng nghìn tấn từ bể đúc về vị trí dìm sâu hơn 20m là điều không phải ai cũng tưởng tượng ra được. Và làm thế nào một đốt hầm nặng hàng ngàn tấn có thể nổi trên mặt nước để tiến hành lai dắt từ bể đúc về vị trí dìm thì nếu không phải người trong ngành sẽ không biết đến điều này.
“...Chỉ cần sơ suất một chút là có chuyện ngay. Chúng tôi không được phép mắc sai lầm..”- ông Bùi Hồng Cánh – Trưởng phòng hoa tiêu, Công ty TNHH Hoa tiêu khu vực I nhớ lại. Ông Cánh cho biết, các kỹ sư đã áp dụng định luật Archimedes bằng cách bịt kín hai đầu hầm, khi thả xuống nước các đốt hầm đều nổi lên. Nhưng nếu đốt hầm nổi lên quá cao lại gây khó cho việc lai dắt. Các kỹ sư lại bơm nước vào trong sao cho các đốt hầm chỉ nhô lên khỏi mặt nước chừng 0,2m rồi kéo về vị trí dìm.
Ở đây 4 tàu lai kéo 4 góc của đốt hầm. Vì thế, việc tính toán cho các tàu kéo hợp hướng, hợp lực để các đốt hầm được đi theo một hướng đòi hỏi độ chính xác rất cao. Độ sâu của luồng, bề ngang lòng sông có giới hạn nên chỉ cần đi chệch hướng một chút là vào cạn ngay. Tốc độ lai dắt phải bảo đảm tối đa không quá 3 hải lý/giờ, bởi nếu nhanh hơn thì áp lực dòng nước tác động vào đốt hầm càng lớn, sức cản càng cao, có thể đứt dây kéo như chơi.
Để hạn chế mọi sự cố và đảm bảo sự thành công trong việc lắp đặt hầm, hơn 700 kỹ sư và công nhân ở 16 đơn vị, cơ quan đã chuẩn bị cho công tác lai dắt và lắp đặt hầm Thủ Thiêm dưới đáy sông Sài Gòn kéo dài hơn bốn tháng. Ngoài ra, trước khi chính thức lai dắt các đốt hầm, các đơn vị liên quan còn thực hiện cuộc diễn tập công việc này.
Hầm Thủ Thiêm – bài học lớn cho Kỹ sư Việt Nam
Nguyễn Đỗ, kỹ sư trưởng chịu trách nhiệm chung của dự án hầm Thủ Thiêm vừa là phiên dịch của ôngKenji Toknhiro – Giám đốc dự án cho biết: “Ngoài việc dìm đốt hầm do nhà thầu nước ngoài phụ trách, còn hầu như tất cả mọi khâu trong quá trình thi công các đốt hầm đều có sự tham gia của các kỹ sư, công nhân Việt Nam. Ở một công trình lớn có độ phức tạp cao, các công nhân, kỹ sư Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm.”
Kỹ sư Nguyễn Ngọc Huyên, Chỉ huy trưởng công trường hầm Thủ Thiêm chia sẻ: “Cái học hỏi được nhiều nhất là việc tổ chức, quản lý thi công trên một công trình lớn. Người Nhật họ quản lý chặt chẽ và làm việc nghiêm túc, khoa học. Đặc biệt là tính kỷ luật và tổ chức làm việc theo nhóm”.
Kỹ sư Hà Thanh Hải, Giám sát thi công đường hầm dẫn phía Thủ Thiêm cũng chia sẻ: “Thực ra trong tất cả các khâu đều do các kỹ sư, công nhân Việt Nam trực tiếp thi công. Nhà thầu Nhật Bản chỉ cử một đội ngũ chuyên gia giám sát. Phần lớn các thiết bị cũng đều được thuê ở Việt Nam, chỉ một số thiết bị chuyên dụng thì họ đưa từ Nhật sang. Nếu sau này có thêm một công trình hầm dìm nào, tôi tin rằng các kỹ sư Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Chúng ta cũng đã từng có cầu dây văng Rạch Miễu do người Việt Nam thực hiện hoàn toàn đó thôi”.