Trong kiến trúc hiện đại, tranh đá không còn xa lạ với nhiều người. Những năm trở lại đây, tranh đá gắn liền với hòn non bộ hay còn gọi là tranh đá tiểu cảnh. Tại gia đình, quán cà phê, nhà hàng, khách sạn hay các công sở, đều dễ dàng bắt gặp các tác phẩm bắt nguồn từ đá, thổi hồn cho những mảng tường trống vô nghĩa ở cả không gian nội và ngoại thất.
Được chế tác hoàn toàn từ đá, nên tranh đá có màu sắc trung thực và thể hiện nội dung gần như nguyên bản. Thậm chí nét độc đáo chính là sự óng ánh rực rỡ của đá giúp bức tranh thêm sống động, mang đậm hơi thở của thiên nhiên. Bên cạnh đó, hầu hết các loại tranh đá đều không sử dụng tấm kính bảo vệ, nên việc sờ trực tiếp vào lớp đá trên bức tranh cũng khiến cho người xem thích thú và có cảm giác chân thật.
Để hoàn thành một bức tranh đá là cả một quá trình kì công qua nhiều công đoạn của đội ngũ những người sản xuất, bắt đầu từ việc thăm dò cho đến khâu bảo dưỡng. Tranh đá – sản phẩm được cho là kết tinh tất cả những tinh hoa của đất trời, tinh thần của thời gian cùng tài hoa và tâm huyết của con người. Điều thật sự đáng khâm phục, là ngoại trừ công đoạn thăm dò và khai thác, các công đoạn còn lại hoàn toàn đều được thực hiện thủ công.
Thăm dò và khai thác
Các công ty lớn thường sử dụng những máy móc hiện đại để tham dò và khai thác đá. Còn những công ty nhỏ hơn thì chủ yếu dựa vào độ nhạy cảm của công nhân để có thể khai thác đá một cách hiệu quả nhất.
Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên đá phong phú nhất thế giới. Có nhiều người dân vùng đất đá cũng tham gia vào việc khai thác trên chính quê hương họ. Thông thường, loại đá trắng có rất nhiều trên núi, chỉ việc “đánh về”, kiếm cũng khá dễ vì có nhiều người lên núi khai thác rồi đưa về bán. Nhưng loại đá màu thì rất khó kiếm. Cứ sáng tinh mơ, hàng trăm người dân lại lên rừng, lang thang dọc suối, nhặt từng viên đá lộ thiên. Nhặt mãi, đá cũng khan hiếm, họ phải đi sâu vào trong những hang động, dùng đèn pin soi, rồi lượm nhặt. Tới thời điểm này, ngày càng khó kiếm hơn thì nhiều người đã đưa máy móc lên đào hầm hố sâu vào lòng núi, sau đó đưa đất đá lên đãi trong bồn gỗ. Nếu tìm được đá Sapphire, Ruby chính hiệu (to viên, trong suốt, màu chuẩn, không rạn) thì bán cho “bưởng” có thể được vài trăm triệu, nhưng chủ yếu, họ lại chỉ gặp đá màu trong đó có cả Ruby, Sapphire cấp thấp, bị vỡ rạn, nhỏ hạt. Và lượng đá này được dùng để làm tranh. Nhiều khi, để tìm được loại đá màu phù hợp (nhất là đá màu đen, đá xanh,…) cũng phải lang thang trên núi cả tháng trời.
Sau khi khai thác, những viên đá sẽ được cắt, đẽo, gọt ra từng phần. Phần đẹp nhất sẽ được chế tác làm trang sức hoặc gia công làm vật liệu chế tạo thiết bị công nghệ cao. Những phần còn lại sẽ được xử lí để làm nguyên liệu chế tác tranh đá. Những phần này lại được xử lí theo nhiều cách thức khác nhau.
– Cắt lát từng lát mỏng, to nhỏ khác nhau, thường dùng để tạo nên các chi tiết nguyên khối, như cánh hoa, lá cây, mái nhà…
– Những viên đá to bằng ngón tay út thì được dùng làm các khối đá tự nhiên trong bức tranh.
– Phần còn lại cho vào cối sắt, được những người rắn tay dùng chày sắt giã liên tục.
– Sàng lọc và phân loại đá: Đá thô sau khi được giã xong, được vét ra trải lên bàn, người thợ lại ngồi quanh, dùng kẹp gạn nhặt, phân loại từng loại đá màu với kích cỡ riêng. Phần còn lại được tiếp tục giã nát cho đến khi mịn như cát.
Chế tác tranh
– Cắt mica: Người nghệ nhân sẽ cắt một tấm mica trong suốt để làm khung, có độ dày từ 3-6mm, thông thường sẽ lớn hơn kích thước thật của bức tranh một chút.
– Lót nền : Để có được bức tranh chắc chắn và đẹp, người nghệ nhân phải rắc một lớp đá trắng khoảng 1mm (bột cẩm thạch) khắp mặt nền của tranh để lấp chỗ trống, tạo độ cứng chắc, bền và sáng cho tranh.
– Vẽ mẫu: Trước khi rắc tranh, dựa vào bức tranh mẫu, người nghệ nhân sẽ vẽ trên nền đá cẩm thạch bức tranh cần chế tác bằng phấn màu hoặc bằng chì.
– Rắc đá và nhỏ keo: Dựa vào bức tranh mẫu, người nghệ nhân sẽ rắc đá và bột đá để tạo hình khối. Tùy chi tiết mà chọn màu thích hợp. Tùy độ đậm nhạt, hình khối mà rắc lượng đá màu, đá hạt hay đá bột, đá hạt to hay nhỏ, rắc thưa hay mau. Nếu không có màu sẵn thì phải phối hai ba màu kết hợp lại với nhau để tạo thành màu mới.
– Sơ sót hay bị lỗi: Thông thường thì keo sẽ khô trong vòng khoảng 15 giây. Nếu như sơ sót hay bị lỗi khi rắc đá hoặc nhỏ keo, thì công sức của người nghệ nhân coi như đổ sông đổ bể. Đó là chưa kể thiệt hại về phần nguyên liệu.
Xử lý sau chế tác
Sau khi người nghệ nhân hoàn thành chế tác bức tranh, sẽ phải chờ khoảng 2-3h để cho keo dính chắc chắn. Sau đó, người thợ kĩ thuật sẽ cắt tấm mica lại cho bằng kích thước thật. Tiếp theo là công đoạn chùi rửa và phủ lên bề mặt một lớp dầu bảo dưỡng.
Do những bức Tranh Đá được chế tác hoàn toàn bằng thủ công, nên cả một triệu bức thì cũng không có bức nào giống bức nào. Ngay cả khi chính một người nghệ nhân chế tác cùng một loại tác phẩm, thì chúng cũng có sự khác biệt đôi chút.
Với những công đoạn phức tạp và tỉ mỉ như vậy, thông thường một nghệ nhân lành nghề phải mất khoảng 3 ngày để chế tác một bức tranh có kích thước 40x60cm. Nếu những tác phẩm phức tạp, có thể mất nhiều thời gian hơn.
Phong phú cả về màu sắc và thiết kế, sản phẩm tranh đá tiểu cảnh đang rất được quan tâm trên thị trường vật liệu xây dựng hiện nay. Phong cách chơi tranh cũng muôn hình muôn vẻ. Trong đó, người chơi thường thiên về xu hướng tranh thủy mặc, đơn giản và sang trọng. Để có được một bức tranh theo chủ đề, người thợ phải thực hiện 3-4 ngày mới xong. Vật liệu làm tranh là các loại đá tự nhiên, đá quý và cả những vật liệu đơn giản khác như: gốm, gạch, sỏi… Qua óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của người thợ cùng sự tinh tế trong cách phối hợp vật liệu sẽ tạo nên một bức tranh đá tự nhiên ấn tượng, tạo điểm nhấn trong không gian kiến trúc.
Tỉ mẩn công phu qua nhiều giai đoạn, người thợ mới hoàn thành được bức tranh ưng ý. Ban đầu là định hình bức tranh trên tường bằng những nét vẽ cơ bản, rồi đến việc dùng các dụng cụ cắt đá để tạo nên các mẫu vật. Ở mỗi khối trang trí lại dùng những loại đá với hình thù khác nhau. Đá và vật liệu được gắn kết lại bằng xi măng và phụ gia chuyên dụng. Khi đã hoàn thiện bức tranh thô, thợ tranh lại tiếp tục nắn nót sửa lại từng chi tiết nhỏ rồi phớt lên một lớp sơn trong để tạo độ bóng và bền cho tranh.
Càng ngắm bức tranh đá khi đã hoàn thiện càng thấy những vật dụng vô tri vô giác gần gũi thân quen đến lạ. Bức tranh làm từ những viên đá sần sùi được ghép lại bằng công nghệ và thủ công đã cuốn hút người xem bởi những nét đẹp tinh tế, lạ mắt mà riêng biệt, không bức nào giống bức nào. Quả là một thú chơi đa dạng, phong phú. Đã có hơn 10 năm làm nghề xây dựng và thực hiện trang trí tiểu cảnh, anh Bình chia sẻ: “Tranh đá không chỉ cuốn hút người chơi, khách hàng thông thường mà với mỗi người thợ như chúng tôi, càng làm tranh càng thấy bị cuốn theo nghề.
Công việc hấp dẫn tôi bởi sự mới mẻ trong mỗi bức tranh và khám phá thêm nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm mới khi thực hiện”. Tâm sự ấy mang theo dự cảm tốt lành về một xu hướng trang trí mới của kiến trúc. Thậm chí, còn được xem là một bộ môn nghệ thuật giàu tính sáng tạo, thổi hồn cho những sỏi đá vô tri.
Trải qua hàng triệu năm hấp thu tinh hoa của đất trời và thời gian mới tạo thành được những viên đá nhỏ xíu, nên Tranh Đá còn mang nhiều yếu tố về đẳng cấp, phong thủy và có hơi hướng tâm linh. Bởi vậy, để đánh giá đúng giá trị của một bức tranh đá đòi hỏi phải am hiểu và có kiến thức trong lĩnh vực này.
Xét về độ bền, Tranh Đá gần như là vĩnh cửu. Người ta có thể rửa tranh bằng nước xà phòng mà không làm ảnh hưởng đến màu sắc và chất lượng tranh. Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản cũng khá đơn giản, khi nhìn các bức tranh rất dày dặn và cứng cáp.
Trước đây, Tranh Đá có nội dung truyền thống chủ yếu được sử dụng cho mục đích trang trí nhà cửa và làm quà tặng giá trị. Tuy nhiên thời gan gần đây, Tranh Đá ngày càng “cá nhân hóa”, bằng cách chế tác nội dung theo yêu cầu như khung cảnh công ty, chân dung, logo hay thư pháp…
Điểm yếu của Tranh Đá là mất thời gian chế tác, trọng lượng nặng và chỉ được phổ biến trong một tầng lớp thượng lưu nhất định.
Cùng tạp chí 247 chiêm ngưỡng một số tác phẩm tranh đá của nghệ nhân Chu Đức Hòa
theo designs