Được đắm chìm trong thế giới đồ ăn thức uống cả ngày, hẳn nhiều người nghĩ food styling là công việc “sướng nhất quả đất”? Tất nhiên! Nhưng mặt khác nó cũng đòi hỏi bạn trang bị không ít kĩ năng và cả sự kiên nhẫn nữa. Chưa kể đắm chìm thì đắm chìm, đã con mắt, đã lỗ mũi mà không được đã cái miệng thì cũng hơi buồn… Vì thế bạn muốn bước chân vào thế giới food stylist không? Đùa một chút, bạn phải rất giỏi kiềm chế cái bụng mình đấy!
Food styling – nghệ thuật sắp đặt, trang trí trong ẩm thực là một khái niệm khá mới ở Việt Nam. Food styling được bắt nguồn từ Mỹ và thường gắn liền với các món ăn phương Tây. Tuy nhiên hiện tại cũng đã xuất hiện không ít những tâm hồn Việt đam mê ẩm thực bước chân vào thế giới trang trí món ăn này (họ được gọi là các food stylist). Vậy thế giới của các food stylist này có gì thú vị?
Một mặt có thể food styling đơn thuần chỉ là môn nghệ thuật để thỏa mãn đam mê của bản thân nhưng mặt khác đa phần những bức ảnh, trang báo tạp chí, cảnh quay, quảng cáo thương hiệu ẩm thực đẹp và chất lượng đều có sự đóng góp không hề nhỏ của bàn tay các food stylist. Rõ ràng food styling là một môn nghệ thuật khá thiết thực, cũng là một nghề đáng để đeo đuổi. Và để đeo đuổi nó thì không hề đơn giản chút nào… Giống như người họa sĩ tung hứng với màu, với cọ, một food stylist ngoài việc dùng kiến thức ẩm thực, sự nhạy bén thì cũng cần trí tưởng tượng phong phú và đôi bàn tay khéo léo để tạo ra bức tranh nghệ thuật “ngon mắt” nhất.
Xem thêm:
- Food styling là gì?
- Bí kíp chụp ảnh ẩm thực bằng điện thoại chuẩn như Food Stylist
- Mách bạn cách thiết kế nội thất đẹp lung linh như trên phim(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
Trước hết, food styling đòi hỏi chính là am hiểu về ẩm thực! Điều này không phải bàn cãi, một người “xuất thân từ bếp” sẽ có khả năng cao trở thành một food stylist thực thụ. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa bạn phải làm đầu bếp rồi mới được thăng chức làm food stylist. Tìm tòi và đọc một số sách báo, tạp chí, blog ẩm thực, kết bạn giao lưu với một vài đầu bếp, hay tự chính mình thỉnh thoảng vào bếp nấu một vài món ăn ngon để hiểu “chúng” hơn,…
Bất kì môn nghệ thuật nào cũng sẽ có bí mật riêng khiến cho nó trở nên giá trị. food styling cũng vậy. Trong quá trình làm việc, cụ thể là các buổi chụp hình hoặc quay phim,… yêu cầu food stylist trả lời khá nhiều những câu hỏi nhằm nâng cao chất lượng, khiến cho món ăn trông tự nhiên hấp dẫn nhất, cũng như kéo dài “tuổi thọ” lên hình cho chúng. Làm thế nào để có một món sandwich kẹp mấy tầng cao ngất ngưởng? Nước sốt của món ăn này trông sóng sánh hơn? Thậm chí là việc bẻ một miếng bánh để lại ít vụn cũng trở nên bắt mắt?
Bí kíp của họ, những food stylist chính là tích góp và tự bồi dưỡng cho mình những mẹo vặt ẩm thực để có được sự khéo léo và nhạy bén trong food styling. Lấy một ví dụ nhỏ, để chụp được một bức ảnh chủ đề kem, suốt quá trình chụp mà viên kem vẫn giữ được vẻ tươi mát, không méo mó, tan chảy, food stylist có thể đổ vào hỗn hợp kem một ít ni tơ lỏng làm đông kem ngay lập tức, hoặc dùng khoai tây nghiền thay thế,…
Thực tế có khá nhiều food stylist từng hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật như hội họa, thiết kế, nhiếp ảnh,… Là bởi tố chất quan trọng nữa làm nên một food stylist chính là gu thẩm mỹ, sắp đặt. Bản chất food styling đơn giản là làm đẹp cho đồ ăn, thức uống. Như thế tất cả những vấn đề xoay quanh nó, phông nền – bối cảnh, vật trang trí (thường được gọi là props),… cùng việc kết hợp tất cả chúng với nhau, với món ăn, để tạo ra được một bức tranh ngon mắt, có bố cục, có nhịp điệu, có điểm nhấn,… thì hẳn một người làm nghệ thuật, có con mắt thẩm mỹ đối với những vấn đề như vậy có ưu thế không hề nhỏ. Lại một lần nữa, bạn không nhất thiết phải làm một họa sĩ rồi mới làm được food stylist. Khả năng thẩm mĩ nếu không được trời phú thì cũng có thể được trau dồi.
Ngoài những yếu tố chính là am hiểu ẩm thực, có khả năng thẩm mỹ, sắp đặt là đặc thù thì food stylist cũng trang bị không ít những kiến thức về nhiếp ảnh, quay phim, quảng cáo sản phẩm… để kết hợp ăn ý hơn với các đối tác làm ngành nghề khác trong quá trình làm việc. Tự tạo cho mình một phong cách trang trí món ăn riêng, cũng sẽ đánh dấu sắc nét cho thương hiệu của một food stylist đấy!
Một số blog về food styling mà bạn có thể tham khảo: Souvlaki for the Soul, A Table for Two, He Needs Food, What Katie Ate, Citrus & Candy, Cook Republic… Hoặc một số tạp chí ẩm thực nổi tiếng có food styling ấn tượng: Donna Hay magazines (Australia), Delicious ABC, Epicure Food Magazine (Singapore), GoodFood, Yummy…
Nói vui thì sơ sơ như thế một người có vẻ phải thiên biến vạn hóa lắm mới có trở thành food stylist, vừa là đầu bếp, họa sĩ, nhà thiết kế, thậm chí nhà ảo thuật, nhiếp ảnh gia. Tất cả những tố chất ấy sẽ khiến cho việc đeo đuổi nghệ thuật food styling dễ dàng hơn. Nhưng quan trọng nhất có lẽ vẫn là niềm đam mê ẩm thực và một tâm hồn ăn uống mà thôi phải không!
Food styling vẫn còn tương đối mới ở Việt Nam và hứa hẹn sẽ còn phát triển hơn nữa. Có thể nói được như thế vì hiện tại không ít những bạn trẻ đã ấp ủ và bắt đầu đeo đuổi con đường này; đồng thời Food styling của người Việt bước đầu đã có kha khá những dấu ấn đáng chú ý.
Cùng TẠP CHÍ 247 chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Bánh Mì Việt Nam trong đoạn video dưới đây, bạn có cảm nhận được màn ảo thuật đẹp mắt này dựng lên chính nhờ một phần không nhỏ của nghệ thuật food styling?
TẠP CHÍ 247 | Ms. Gin Getsu | Nguồn: designs