Thiết kế chung cư & những câu chuyện cần lưu ý
KTNĐ – Chung cư, một mô hình nhà ở đã phổ biến từ lâu tại các nước phát triển, đang trở thành một trong những đối tượng được chú ý nhất đối với cư dân đô thị nước ta trong thời gian qua..
Trong cuộc gặp gỡ cuối năm của Kiến Trúc Nhà Đẹp với một số kiến trúc sư thân hữu, “chung cư” đã
được nhắc đến với nhiều thông tin thú vị, xin được phép chia sẻ với bạn đọc về không gian sống đặc thù này.
- Cuộc thi ảnh liên hoan KTS trẻ toàn quốc Chủ đề: “Những khoảnh khắc hội trại”
- SU Model chủ đề phòng khách sang trọng, cổ điển [KTS. Thanh Tùng]
- 7 lưu ý về phong thủy khi bố trí cửa sổ(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
KTS NGUYỄN VĂN TẤT
Ta cần phải quan tâm bắt đầu từ “cổng nhà”, đó là sảnh thang máy hoặc thang bộ. Từ “cổng nhà” vào đến cửa nhà có khoảng “sân” là hành lang. Cần lưu ý để những nơi này không bị o ép và thiếu sáng… tạo cảm giác tù túng, bất ổn.
Vào trong phạm vi căn hộ, các nhà thiết kế sẽ đảm nhận vai trò của mình để định hướng thiết kế nội thất phù hợp.
KTS ĐẶNG PHAN LẠC VIỆT
Mỗi dự án chung cư thường mang rất rõ dấu ấn của chủ đầu tư qua những đặc điểm trong thiết kế, bố trí công năng và các không gian tiện ích chung. Khi tìm mua căn hộ phù hợp cho mình, gia chủ cần lưu ý kỹ những yếu tố này.
Thêm nữa, cũng cần phải “tỉnh táo” trước khái niệm “cao cấp” mà các chủ đầu tư đưa ra cho dự án của mình.
KTS HỒ LÊ PHƯƠNG
Một điều cần phải hiểu đối với cách bố trí căn hộ chung cư là sự phụ thuộc vào khả năng giải bài toán của kiến trúc sư & kỹ sư, chi phí đầu tư, giá bán, định hướng kinh doanh… Không có phương án thiết kế nào hoàn hảo 100%.
Mỗi phương án bố trí đều có những nhược điểm không tránh khỏi, người mua cần xem xét kỹ lưỡng mặt bằng dựa trên nhu cầu và tập quán sử dụng của mình với các mong muốn khác như vị trí, giá cả…
KTS TRẦN LÊ QUỐC BÌNH
Vấn đề đối với các chung cư nước ta hiện nay là sự va chạm giữa cái chung và riêng. Đây là mô hình xuất phát từ phương Tây với văn hóa sống rất tôn trọng những không gian chung và cũng tuyệt đối tôn trọng sự riêng tư. Trong khi đó, nếp sống của chúng ta, dù ở chung cư vẫn “quan tâm” nhiều đến tính giao lưu.
Đó là chưa kể sự thiếu tôn trọng đối với các khu vực công cộng nên sẽ có rất nhiều vấn đề rắcrối phát sinh.
Ngoài những yếu tố về vị trí, nhà thầu có một điểm rất quan trọng nữa khi lựa chọn chung cư mà chúng ta ít khi để ý, đó là việc quản lý của tòa nhà.Một công ty quản lý tốt có thể làm gia tăng giá trị của tòa nhà, bởi nó sẽ “bảo đảm” rất nhiều việc từ vệ sinh đến an toàn cùng những vấn đề an sinh khác.
Ở nước ta, điều này chưa được quan tâm đầy đủ, chưa có sự nhận thức rộng rãi rằng công ty quản lý chung cư chính là đơn vị tạo ra môi trường sống, yếu tố văn hóa và đảm bảo tiện ích luôn trong điều kiện tốt nhất cho toàn bộ dân cư ở đó.
THIẾT KẾ CHUNG CƯ VÀ YÊU CẦU VỀ TẠO NÉT RIÊNG
KTS NGUYỄN VĂN TẤT
Khi thiết kế chung cư và mong muốn tạo ra nét riêng hoặc “làm mới”, đầu tiên cần phải xem xét cấu trúc căn hộ có thể thay đổi được hay không? Giải pháp thường gặp là bớt phòng hoặc thay đổi tường (trừ tường giáp nhà bên cạnh và tường chịu lực).
Các khu vực sàn ướt, vệ sinh, bếp thì sẽ khó hoặc không thay đổi được. Phổ biến nhất để tạo ra điểm khác biệt là chấp nhận giảm bớt số lượng phòng ngủ để có không gian cho một không gian chức năng kết hợp nào đó ấn tượng hơn hoặc rộng rãi hơn.
KTS HỒ LÊ PHƯƠNG
Một trong những điều cần lưu ý khi thiết kế nội thất chung cư là không phải tất cả các cấu trúc đều không được đụng đến. Cần phân biệt được cấu trúc nào có thể thay đổi và cấu trúc nào phải giữ nguyên.
Theo tôi, thói quen xây tường bằng gạch nung, sử dụng chất kết dính chủ yếu là hồ vữa xi măng, hoàn thiện bằng mát tít, sơn nước… là một tập quán cũ mà chúng ta cũng nên nghiên cứu thay đổi đối với loại hình căn hộ chung
cư.Cách xây dựng “truyền thống” này sẽ sinh ra rất nhiều khó khăn về vận chuyển, thi công và vệ sinh công trường… Các giải pháp vách thạch cao với khung kim loại, giấy dán tường, vật liệu lát nền không phải
là gạch nên được quan tâm hơn trong tương lai.KTS ĐẶNG PHAN LẠC VIỆT
Thêm một số điểm cần lưu ý khi thiết kế căn hộ ở nước ta, đó là khi bố trí khu vực thờ cúng cần lưu tâm đến những phiền phức do khói ảnh hưởng đến thiết bị báo cháy. Cũng cần phải lưu ý đến yếu tố an toàn của lan can ban công và cửa sổ vì các căn hộ luôn ở trên cao.
Những chủ nhân căn hộ ở tầng quá cao và yêu thích cây xanh thì nên chú ý đến việc gió nhiều sẽ làm hại cây, cần tạo ra các giải pháp khắc phục, hoặc trồng ở nơi tương đối kín gió.
KTS NGUYỄN VĂN TẤT
Không gian thờ tự ở nhà chung cư là một câu chuyện dài tập với rất nhiều vấn đề cần tính tới cho phù hợp với tâm lý giữ sự tôn kính cần thiết. Bởi không thể biết được sinh hoạt của gia đình ở tầng trên, việc bố trí gian thờ từ đó thường dựa trên ước đoán từ mặt bằng và thói quen sinh hoạt nói chung để chọn vị trí thờ tự an toàn.
Tuy nhiên vẫn cần có một số giải pháp chủ động như dựng thêm bình phong để tránh trang thờ gắn vào tường nhà vệ sinh, tạo mái trang trí bên trên. Hoặc có thể bố trí trang thờ bên trong một lớp tủ thờ khác.
KTS TRẦN LÊ QUỐC BÌNH
Vì không có nhu cầu sử dụng máy điều hòa nhiệt độ gần như toàn bộ thời gian trong ngày nên sẽ có những lúc ta cần mở cửa sổ hoặc cửa ban công để lấy gió. Tuy nhiên, nếu không mở cửa ra vào căn hộ (do sự riêng tư) thì sẽ không tạo ra đối lưu gió.
Một số gia chủ khắc phục bằng cách làm thêm một lớp cửa để vừa cho gió lùa vừa che bớt tầm nhìn. Cách làm này sẽ tạo ra sự mất đồng bộ cho cả khu.
Có một số giải pháp khác khả thi hơn cho nhu cầu này như cửa thông gió bố trí trên cao; hoặc tạo ra một lớp không gian đệm ở khu vực cửa vào – nghĩa là ngoài cửa chính, ta bố trí một lớp cửa thứ hai ở bên trong nhà, có thể là cửa lưới hoặc cửa sắt.
Khi cần có thể mở cửa chính để thông gió nhưng tầm nhìn vào nhà vẫn bị hạn chế nhờ cửa phụ. Khu vực sảnh được tạo nên giữa hai lớp cửa còn phù hợp cho bố trí bàn thờ (vì đây là sẽ là khu vực thông thoáng) hoặc kệ giày…
Đồng thời, chính phần không gian này cũng sẽ tạo ra điểm “nhận dạng” căn hộ – bởi mỗi gia chủ sẽ có cách bài trí riêng, trong khi vẫn không ảnh hưởng đến “cái chung” của toàn khu.
KTS ĐẶNG PHAN LẠC VIỆT
Phong cách thiết kế cho căn hộ cần đi từ cá tính của chủ nhà cùng những mong muốn của họ về một không gian sống phù hợp để tạo nên nét riêng. Trang trí phải không bị “lố” và các yếu tố trang trí cần có sự hài hòa trong một tổng thể chung.
KTS NGUYỄN VĂN TẤT
Việc tạo ra “khác biệt” cho căn hộ rất có nguy cơ sa vào chủ nghĩa hình thức. Kiến trúc và nội thất nói chung là một dạng “nghệ thuật thực dụng”, trong đó, sự khả dụng quyết định, thẩm mỹ hay nghệ thuật sẽ dựa trên yếu tố cơ bản này.
Bên cạnh công năng và phong cách thiết kế, sự khác biệt giá trị của căn hộ phản ánh tích cực nhất văn hóa sống của mỗi gia đình. Tùy chủ nhà mà đáp ứng theo cách bền vững nhất và không thể có một công thức chung nào cho trường hợp này.
KTS TRẦN LÊ QUỐC BÌNH
Dù sống ở chung cư nhưng tâm lý của nhiều gia chủ lại muốn có cảm giác như ở dưới mặt đất. Nhu cầu này có thể được đáp ứng tương đối qua cây xanh được bố trí một cách phù hợp. Giải pháp tận dụng ánh sáng tự nhiên và nội thất tạo cảm giác gần gũi cũng sẽ thêm sự thú vị cho căn hộ.
Việc tìm ra các giải pháp nhằm phát huy ưu điểm của văn hóa phương Tây trong cuộc sống chung cư nhưng vẫn phù hợp đối với cách sinh hoạt truyền thống của chúng ta là cần thiết.
Ngânxu – Nguồn: tapchinhadep