Handicraft (hay còn được gọi là Thủ công mỹ nghệ) là một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực Nghệ thuật và Thiết kế. Mời độc giả cùng TẠP CHÍ 247 tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này cũng như khám phá mọi loại hình đa dạng của thế giới Handicraft nhé!
Handicraft là gì?
Handicraft (còn được gọi tên như Artisanry hoặc Handmade): dịch là Thủ công mỹ nghệ, chỉ các loại hình sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tay dưới sự hỗ trợ của công cụ đơn giản.Nói cách khác, sản phẩm Thủ công mỹ nghệ – Handicraft là kết quả từ bàn tay của nghệ nhân thủ công. Chúng phô bày vẻ đẹp của sự khéo léo cùng kĩ thuật truyền thống; chúng không được tạo ra từ quá trình sản xuất máy móc hàng loạt.
- Làng cổ Đường Lâm – nét hồn quê mộc mạc
- Tranh Đông Hồ – Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam
- Bộ ảnh Chiến tranh Việt Nam trong mắt người Mỹ.(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
Đồ thủ công mỹ nghệ bằng đồng – Nhật Bản
Sản phẩm Thủ công mỹ nghệ – Handicraft được thiết kế nhằm đáp ứng công năng sử dụng thực tiễn và phần nhiều mang tính chất trang trí thẩm mỹ. Vì vậy, sản phẩm thủ công có giá trị đòi hỏi sự khéo tay lẫn khả năng kiên nhẫn từ nghệ nhân. Nhiều mặt hàng thủ công sử dụng vật liệu tự nhiên (đa phần là vật liệu bản địa), trong khi một số khác được chế tác từ các loại vật liệu phi truyền thống như vật liệu công nghiệp tái chế (nghệ thuật giấy hoặc điêu khắc thủy tinh chẳng hạn…). Vật liệu chế tác Handicraft thường thấy là: sợi tự nhiên, vải hoặc da; gốm, đá, xương, thủy tinh; gỗ hoặc thực vật bản địa; giấy; kim loại…Qua vật liệu đặc trưng, Thủ công mỹ nghệ – Handicraft chia thành loại nhiều hình khác nhau mà TẠP CHÍ 247 sẽ cùng độc giả tiếp tục khám phá ở tiểu mục dưới!
Gối thêu thủ công và đồ chế tác kim loại Ấn Độ
Tương tự như Nghệ thuật dân gian, sản phẩm Thủ công mỹ nghệ – Handicraft mang ý nghĩa văn hóa truyền thống, thậm chí cả đặc trưng tôn giáo. Nhiều loại hình thủ công có độ tuổi hàng trăm năm, bén rễ trong các cộng đồng dân cư (như làng nghề, phố nghề truyền thống) dù có bị mai một thì đang dần được hồi sinh trở lại, cùng lúc đó, nhiều loại hình thủ công mới được khai thác, được ưa chuộng và trở nên phổ biến. Có thể nói, Thủ công mỹ nghệ – Handicraft là một bộ phận quan trọng trong lĩnh vực sản xuất, nghệ thuật và thiết kế.
Các loại hình Handicraft – Thủ công mỹ nghệ phổ biến
Qua vật liệu đặc trưng, Thủ công mỹ nghệ – Handicraft chia thành nhiều loại hình đa dạng, mà một trong số chúng có lịch sử phát triển từ lâu đời song hành cùng sự phát triển văn hóa nhân loại. Có thể liệt kê như: dệt và thêu truyền thống, nghệ thuật kết cườm, mây tre đan, nghệ thuật gốm, mosaic, làm rối/búp bê, điêu khắc, thư pháp (calligraphy), khảm xương, tranh in(printmaking), gấp giấy…Thật khó để viết hết thật kĩ càng và chi tiết về từng loại hình cụ thể của Handicraft – Thủ công mỹ nghệ trong một bài viết này, chúng tôi mời độc giả tiếp tục theo dõi tại các chuyên đề riêng biệt chỉ có tại TẠP CHÍ 247
Làm đồ trang sức handmade là một ví dụ về Thủ công mỹ nghệ – Handicraft. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình thức như trang sức được chế tác từ xương hoặc vỏ giáp của động vật (vòng vỏ sò, khảm trai…), chế tác từ vỏ cây hay phổ biến nhất vẫn là vật liệu kim loại (đồng, vàng, bạc…) kết hợp với các loại đá…tạo ra các thiết kế tuyệt đẹp như bông tai, dây chuyền, vòng cổ. Không chỉ vậy, cùng sự sáng tạo không giới hạn, đồ trang sức hoàn toàn có thể độc và lạ như thế này:
Đồ trang sức và trang trí được quấn từ dây đồng và đá
String Art (Nghệ thuật Bện sợi) đặc trưng bởi một mạng lưới các sợi dây cuốn quanh hệ thống đinh được đóng chặt trên một bản gỗ hay mặt phẳng. Các đường thẳng được tạo ra khi sợi dây cuốn quanh hai đinh; nhiều đường thẳng khi giao nhau và thay đổi góc độ hơi khác sau một chút thành lập đường cong; từ những đường cong đơn giản thiết kế thành hình thức phức tạp như hoa văn và chữ…
String Art được phát minh bởi Mary Everest Boole vào cuối thế kỷ 19, áp dụng nguyên tắc của đường cong Bézier (khái niệm toán học về đường cong hình học được hình thành từ tập hợp các đường thẳng – công bố lần đầu vào năm 1962 bởi một kỹ sư người Pháp Pierre Bézier). String Art bắt đầu được phổ biến rộng rãi như là hình thức trang trí Thủ công mỹ nghệ – Handicraft vào cuối những năm 1960.
Quilling Art (Nghệ thuật Cuộn giấy/Xoắn giấy) là một hình thức nghệ thuật sử dụng các dải giấy cuộn tròn lại hoặc xoắn vòng và dán ghép lại với nhau để tạo ra thiết kế. Có nhiều cuộc tranh luận về nguồn gốc của nghệ thuật này. Trong suốt thời kỳ Phục Hưng, tu sĩ Pháp và Ý sử dụng những viền rách trong các cuốn kinh thánh và lông ngỗng cuộn lại để trang trí cho các vật phẩm tôn giáo và tranh ảnh. Việc sử dụng lông ngỗng đã biến thành thuật ngữ của Nghệ thuật Cuộn giấy – Quilling Art (chữ quill: nguyên nghĩa là lông ngỗng). Trong thế kỷ 18, Quilling Art trở nên phổ biến ở Châu Âu như một mốt nghệ thuật và sở thích giải trí riêng tư của các thiếu nữ quý tộc. Nghệ thuật này phổ biến đến những năm 1800 (thời đại Regency) nhưng biến mất dần vào cuối những năm 1800. Sau này, dân du cư đã đem nghệ thuật này một lần nữa du nhập vào Mỹ, trải qua nhiều giai đoạn để phục hưng cho đến ngày nay như một hình thức trang trí độc đáo trên thiệp mừng, khung tranh, mô hình giấy…
Các dạng cuộn Quilling Art
Mô hình bóng hoặc bóng xoắn được cho là một trong những loại hình đặc biệt của Thủ công mỹ nghệ – Handicraft. Đây là sự hình thành các mô hình sinh động (thường là động vật) khi vặn xoắn và dồn ép hơi vào các vị trí khác nhau trên quả bóng. Có hai kiểu xoắn bóng chính là “mô hình bóng đơn” – mô hình chỉ được hình thành từ một quả bóng duy nhất và “mô hình bóng kép” – sử dụng nhiều bong bóng vặn xoắn để liên kết thành một mô hình.
Thiết kế váy độc đáo với bóng của nữ nghệ sĩ Rie Hosokai, Nhật Bản
Thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nguồn vốn truyền thống quý báu từ lâu đời gắn liền với tên những làng nghề, phố nghề trải khắp chiều dài đất nước. Ban đầu là những công việc phụ tranh thủ lúc nông nhàn, phát triển lên thành nhu cầu trao đổi hàng hóa và tìm kiếm thu nhập ngoài nghề nông. Các ngành nghề thủ công được lựa chọn và dễ phát triển trong quy mô cá nhân rồi mở rộng thành quy mô gia đình. Dần dà, các nghề thủ công được truyền bá giữa các gia đình thợ thủ công, rồi được truyền ra lan rộng ra phát triển trong cả làng, hay nhiều làng gần nhau theo nguyên tắc truyền nghề.
Làng chiếu cói Lâm Xuân, Quảng Trị
Bởi những lợi ích khác nhau do các nghề thủ công đem lại mà trong mỗi làng bắt đầu có sự phân hóa. Nghề đem lại lợi ích nhiều thì phát triển mạnh dần, ngược lại những nghề mà hiệu quả thấp hay không phù hợp với làng thì dần dần bị mai một. Từ đó bắt đầu hình thành nên những làng nghề chuyên sâu vào một nghề duy nhất nào đó, như làng gốm, làng chiếu, làng lụa, làng chạm gỗ, làng đồ đồng…
Làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh
Tranh dân gian Đông Hồ
Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông
Dù nhiều làng nghề truyền thống đã biến mất cùng với thời gian, nhưng hiện nay, các con số thống kê cho thấy, Việt Nam còn có gần 2.000 làng nghề thuộc các 12 nhóm sản phẩm chính: may mặc, mây tre đan, sản phẩm từ cói và lục bình, gốm sứ, điêu khắc gỗ, sơn mài, thêu ren, điêu khắc đá, dệt thủ công, giấy thủ công, tranh nghệ thuật, kim khí và nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác. Những làng nghề nổi tiếng không thể không kể tên đến như Làng chiếu cói Lâm Xuân, Quảng Trị; Làng gốm Thổ Hà, Bắc Giang; Làng gốm Phù Lãng, Bắc Ninh; gốm Bát Tràng; Làng dát vàng quỳ Kiêu Kỵ; Làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, Ninh Bình; Làng tranh dân gian Đông Hồ; Làng lụa Hà Đông; lụa Nha Xá; Làng đúc đồng Đại Bái, Bắc Ninh; Làng hương bài Lai Chiều…
Làng đúc đồng Đại Bái, Bắc Ninh
TẠP CHÍ 247 | Ms. Gin Getsu | Nguồn: designs