Nghệ thuật là vô cùng, vừa chủ quan, vừa khách quan nhưng nghệ thuật vẫn có cái cột sống của nó để khi thực hiện một tác phẩm ảnh nghệ thuật, chúng ta biết bức ảnh đẹp hay xấu, có giá trị hay không? Và giúp cho các giám khảo tìm được tiếng nói chung, tránh áp đặt chủ quan trong công tác thẩm định.
Một tác phẩm nghệ thuật nói chung cho các chuyên ngành, trong đó có nhiếp ảnh bao gồm ba tiêu chí cơ bản: Đề tài, nội dung và hình thức nghệ thuật. Hãy cùng TẠP CHÍ 247 tìm hiểu rõ hơn những tiêu chí có tính nền tảng, tác động tương hỗ lẫn nhau, và tạo nên một tác phẩm đẹp về hình thức và sâu sắc về nội dung – đề tài này.
- Tuyển tập các ý tưởng trang trí nhà sáng tạo và phong cách.
- Cảm hứng Nhiếp ảnh với 20+ ví dụ sáng tạo style khác nhau.
- Tìm hiểu 10 tips hữu ích để tăng trình độ nhiếp ảnh của bạn.(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
ĐỀ TÀI CỦA MỘT TÁC PHẨM ẢNH NGHỆ THUẬT
Đề tài muôn thuở của tác phẩm vẫn là con người, cảnh vật hoặc một ý tưởng. Trong đó, con người và cảnh vật thì khá quen thuộc, dễ nhận biết. Con người thường được xem là tâm thế của mọi sự sáng tạo. Những tác phẩm lớn, nổi tiếng trên thế giới phần lớn đều hướng vào con người. Trong khi đó, ý tưởng không phải lúc nào chúng ta cũng dễ nhận ra. Nó ẩn sâu nhiều lớp bên trong hoặc nằm sau hình dáng của tác phẩm ảnh nghệ thuật. Những ai có khả năng đọc được ngôn ngữ của hình thể thì mới dễ cảm đạt được ý tưởng. Đối với âm nhạc, hội họa,… những tác phẩm trừu tượng, bán trừu tượng, nhất là phi-khách quan,… thì khó hiểu hơn, thậm chí không nhận ra ý tưởng của tác giả gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Tuy vậy, hầu hết ý tưởng được hình thành thường dựa vào lý trí, vào quá khứ với những kinh nghiệm đã biết, đôi khi chỉ thêm vào hoặc bớt đi đôi chút rồi tưởng là mới chứ thực ra rất khó có cái mới. Nếu có được cái nhìn mới với những đề tài rất cũ đã là điều thành công.
NỘI DUNG CỦA MỘT TÁC PHẨM ẢNH NGHỆ THUẬT
Nội dung là thông điệp có tính tình cảm hoặc trí tuệ của tác phẩm – tác giả. Nó cho thấy mặt bằng văn hóa, cái tâm của người cầm máy. Nhà nhiếp ảnh chụp ảnh bằng cái máy ảnh hay cái đầu của mình? Mỗi bức ảnh của bạn là thái độ, chứng kiến, trách nhiệm của bạn đối với cuộc sống. Nội dung của một tác phẩm ảnh nghệ thuật phải hàm súc, rõ ràng thể hiện qua ngôn ngữ ảnh chứ không ép người xem một cách chủ quan, cực đoan được. Vì nhiếp ảnh ngoài quan điểm truyền thống xưa nay xem là nghệ thuật của ánh sáng và bóng tối, còn là ngôn ngữ quốc tế, cầu nối về văn hóa và chuyển tải thông tin mang tính toàn cầu.
Một tác phẩm lớn hay nhỏ phù thuộc rất nhiều vào nội dung – đề cao tính nhân văn, lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại, tinh thần dân tộc,… Nhà nhiếp ảnh với ý thức nghệ sỹ, công dân sẽ hướng ống kính vào đâu – những vấn đề trọng yếu của thời đại hay sa đà vào những vặt vãnh, nhỏ nhoi của cuộc sống thường nhật? Một tác phẩm ảnh nghệ thuật có nội dung tốt, sâu sắc chắc chắn sẽ góp phần định hướng, ảnh hưởng đến phong trào sáng tác, mang hiệu ứng xã hội cao, chạm được vào trái tim, tâm cảm của công chúng và có thể sống cùng năm tháng.
Tại các cuộc thi có đề tài “tự do” thì cũng có cái hay là thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia bởi chụp cái gì thi cũng được. Nhưng với nội dung đề tài chung rất khó cho công tác thẩm định, chấm chung mọi thể loại cũng sẽ khó so sánh sự tương quan với nhau, dễ khập khiễng, khó chọn giải thưởng hợp lý, thỏa đáng được. Hơn nữa, với người cầm máy mà cái gì cũng chụp, cũng thi thì khó sâu về nghề. Do vậy, bên cạnh phát triển phong trào cũng cần mặt bằng rộng nhưng cũng phải chuyên môn hóa để tạo sự khác biệt, mũi nhọn, đột phá. Một nhiếp ảnh gia trưởng thành sẽ biết cách “tồn tại cho chính mình”. Biết mình là ai, mạnh cái gì, yếu cái gì, biết vượt thoát khỏi “bầy đàn” để chọn một con đường đi riêng và đeo đuổi thực hiện nó xuyên suốt trong sự nghiệp cầm máy của mình với khát vọng làm nên một cá tính nghệ thuật, sáng tạo những tác phẩm ảnh nghệ thuật mới lạ, nổi trội.
HÌNH THỨC CỦA MỘT TÁC PHẨM ẢNH NGHỆ THUẬT
Hình thức tác phẩm ảnh nghệ thuật là thành tố thứ ba mà trong đó bố cục là phẩm chất đầy đủ của một tác phẩm, là cách thể hiện mạnh mẽ nhất của cái nhìn lẫn cảm xúc và cũng là cơ sở đầu tiên hình thành nên phong cách. Trong nhiếp ảnh, bố cục không chỉ là sự bố trí, sắp xếp các yếu tố có trong một khung hình mà còn thể hiện việc sử dụng hiệu quả và tinh tế ánh sáng, sự hài hòa, cân bằng, tương phản, đường nét, hình dạng, sắc độ, màu sắc, khung viền, định dạng kích thước…
Tiếp đến ánh sáng là yếu tố tạo hình phải được nghĩ đến đầu tiên vì chính ánh sáng tạo đường nét cho bố cục dẫn mắt người xem theo nhiều chiều hướng khác nhau: lắng đọng, đi vào hoặc đi ra khỏi khung hình. Chính ánh sáng làm rạng rỡ chủ thể và ngược lại chủ thể có tốt đến đâu mà ánh sáng tầm thường cũng không thể tạo nên một tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp được.
Một hiện tượng nữa cũng khá phổ biến trong thời gian gần đây của nhiếp ảnh Việt Nam. Nếu xưa kia, chúng ta “đói” vì thiếu phương tiện kỹ thuật, thì từ ngày có các phần mềm xử lý ảnh như Photoshop, Photopaint…nhiều nhà nhiếp ảnh bị “bội thực” về màu, chắp ghép…chúng ta thường có thói quen đẩy màu lên quá độ bão hòa cho phép dẫn đến tác phẩm ảnh nghệ thuật trở nên rất rợ như “hàng chợ”. Không ít trường hợp, cố dìm thật tối hậu cảnh như một thủ pháp để làm nổi bật chủ thể, khiến ta có cảm giác như con người bị cắt dán vào phông. Hậu cảnh tối đen làm mất gần hết chi tiết, không rõ không gian, thời gian và quan trọng hơn là mất đi tính ảnh. Những ảnh phông đen chỉ đánh giá cao trong giai đoạn từ năm 1995 trở về trước, còn trong những năm gần đây gu thẩm mỹ như vậy không còn được yêu chuộng nữa kể cả trong nước lẫn quốc tế.
Khung viền cũng là ý đồ sáng tạo thêm của tác giả để hoàn thiện hoặc làm mới bố cục. Nhưng có nhiều bức ảnh khung đen xung quanh rất nặng nề như tự giới hạn, “cầm tù” bức ảnh của mình lại. Làm khung cho ảnh không phải phong trào, tự thân bức ảnh không nhất thiết phải làm khung nếu như sự thêm vào đó không làm đặc sắc hơn cho bức ảnh. Còn nếu muốn làm khung viền thì nên chọn tông màu chủ đạo trong ảnh đưa ra ngoài làm màu khung thì dễ tạo được sự hài hòa và sang trọng. Những ai thích khung ảnh thì có thể tham khảo cách làm của nhà nhiếp ảnh bậc thầy Mikhail Bondar (Ukraine) qua các tác phẩm của ông tại VN-11 hoặc cuộc thi ảnh quốc tế do CLB Gia Định tổ chức 2010.
Nhiếp ảnh ra đời từ kỹ thuật và không ngừng phát triển nhất là trong thời đại bùng nổ nhiếp ảnh kỹ thuật số khiến cho một số quan điểm, ý niệm về nhiếp ảnh phải tư duy lại. Kỹ thuật làm thăng hoa, nâng tầm nghệ thuật, vượt lên sự sao chép hiện thực bình thường như chúng ta thường thấy ở hiệu ứng xoay – lia – zoom máy, chạy sáng, phân sắc độ… Tuy không phải là cứu cánh, nhưng kỹ thuật giải phóng đáng kể sức sáng tạo của nhà nhiếp ảnh. Tuy vậy, dù khoa học có phát triển đến đâu thì không công nghệ nào có thể thay thế cảm xúc, tâm hồn của con người được. Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình thụ cảm, trải nghiệm, tư duy rất đặc thù của người nghệ sỹ mà có.
Một tác phẩm ảnh nghệ thuật có thể ví von như một “hoa hậu”. Trước hết muốn đi thi, thí sinh phải có thể hình đẹp qua các vòng đo, trang phục áo tắm, dạ hội… Hình thức mà không đẹp thí sinh phải dừng bước ngay từ vòng loại. Sau đó, mới xét đến vẻ đẹp bên trong: trí tuệ, văn hóa, bản sắc dân tộc. Hình thức và nội dung là một cặp phạm trù rất biện chứng không thể tách rời nhau được, chúng tương tác, hòa quyện lẫn nhau tạo ra một thể thống nhất có kết cấu như một cơ thể sống của một tác phẩm.
Trên đây là một số chia sẻ “Tiêu chí của một tác phẩm ảnh nghệ thuật”, hi vọng nó sẽ giúp ích cho bạn, giúp bạn có những kỹ năng cần thiết để tạo ra những tác phẩm ảnh nghệ thuật để đời độc đáo. Hãy cùng TẠP CHÍ 247 xem thêm nhiều bức ảnh đẹp và tìm hiểu những thông tin mới, kiến thức hữa ích trong cùng chuyên mục nhé!
TẠP CHÍ 247 | Hà Hạnh | Nguồn: photo