Cuối năm 1961, Trung ương cục Miền Nam chuyển căn cứ từ Mã Đà về Bắc Tây Ninh. Tôi đang công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Bình Dương, họa sĩ Cổ Tấn Long Châu công tác tại ban Tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định (đóng tại Hố Bò, Phú Mỹ Hưng Củ Chi.)
TRANG PHƯỢNG – Trên mặt trận Thuận Lợi (trận Đồng Xoài)
Được lệnh điều động của Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam, chúng tôi lên đường về R (Trung ương Cục). Tôi đến trạm 21A là trạm chờ đợi để phân phối cán bộ về các cơ quan Trung ương Cục. Ở đây tôi gặp chú Mười Đờn (Đoàn Trung Dõng) từ Kiến Phong lên, anh Hai Chiến (Huỳnh Thanh Mua), từ Bến Tre đến. Trong lúc chờ đợi đơn vị nhận về, chúng tôi ở đây gần một tháng, đi tải gạo, xay lúa và sinh hoạt với anh em giao liên, lúa chỉ xay ra, xàng sạch và nấu ăn, không có giã, ngay khi vo gạo cũng chỉ đãi đãi trong nước nồi nấu, không được vo mạnh nó sẽ ra bột hết, nấu xong phải để nguội mới ăn được, anh em bảo: “Lúa này là do các anh tập kết chôn lại từ năm 1954, bây giờ đào lên phơi và xay ăn.” Chúng tôi đi tải gạo ngang qua một trảng nhỏ thấy có một hàng một 10 cái, còn 2 cái huyệt trống, anh em giao liên giải thích, đây là điểm xuất phát đánh Tua Hai, anh em tự đào huyệt trước, dự kiến ta có thể hy sinh 12 đồng chí. Nhưng ta chỉ hy sinh có 10 nên còn thừa 2 cái huyệt. Mùa xuân đến, ven bìa trảng mai vàng nở khắp nơi, khoe sắc như một cát tết thanh bình, biết đâu bên trong mé rừng là chúng tôi, những thanh niên tuổi đôi mươi đã xếp bút nghiên lên đường chống ngoại xâm.
Chúng tôi đón Tết tại trạm 21A. Sau đó được tin Ban Tuyên huấn nhận về, tôi và chú Mười Đờn từ giã anh Hai Chiến lên đường về trạm C16. Tại đây chúng tôi gặp chú Tô Lâm tập kết trở về lại chiến trường. Đêm đó tôi cùng chú Tô Lâm căn tăng, mắc võng trong bụi le và tâm sự đến khuya, biết tôi là sinh viên Sài Gòn ra chú hỏi thăm đủ điều về tình hình Sài Gòn. Vì gia đình chú, ba, má và vợ con chú đang sống trong Sài Gòn, chú nói “Chi Lăng, con trai chú năm nay khoảng 12 tuổi mà chú chưa hề gặp mặt.” Tôi hỏi thăm chú về xã hội chủ nghĩa miền Bắc tốt đẹp như thế nào? Mà tôi chưa hình dung được.
Xem thêm:
- Việt Nam đẹp lạ dưới ngòi bút của họa sĩ Singapore.
- Bộ ảnh Chiến tranh Việt Nam trong mắt người Mỹ.
- Loạt ảnh của Philip Jones Griffiths về chiến tranh Việt Nam.(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
Sáng hôm sau 3 chúng tôi lên đường về Ban Tuyên huấn, đến quá trưa chúng tôi đến cây xoài cổ thụ bên đường đi Lò Gò, nghỉ ngơi, nấu thêm nước uống rồi vượt Trảng Tà Xia, qua suối cây (suối Xa Mát) đi về hướng Tà Nốt. Đó là lãnh địa của Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam. Chú Tô Lâm về làm ủy viên Ban tuyên huấn, chú Mười Đờn về đoàn văn công giải phóng, còn tôi về B.6+7 (gồm tiểu ban tuyên truyền, tiểu ban giáo dục, thông tấn xã giải phóng, xưởng phim giải phóng và chúng tôi là phòng Hội họa giải phóng sau này). Lúc này cả B.6+7 chỉ mới trên 20 người. Về đây gặp Cổ Tấn Long Châu và Phạm Minh Sáu, chúng tôi hết sức vui mừng gặp nhau trong chiến khu như thế này.
CỔ TẤN LONG CHÂU – Bàn tay người thành phố. 1980. Sơn dầu
Mấy ngày sau nhận được quyết định của chú Trần Bạch Đằng Phó Ban Thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ký: Thành lập phòng Hội họa giải phóng và bổ nhiệm Họa sĩ Cổ Tấn Long Châu làm trưởng phòng, họa sĩ Trang Phượng làm phó phòng. Tôi và Cổ Tấn Long Châu vẽ, Phạm Minh Sáu kẻ stancil. Mặc dù chỉ có 3 người, nhưng nhiệm vụ của phòng Hội họa giải phóng rất nặng nề, chúng tôi vẽ tranh cổ động, tranh đả kích gửi đi khắp các chiến trường và các địa phương cổ vũ động viên quân và dân ta đấu tranh chống Mỹ – Ngụy. Ngoài ra chúng tôi phải đảm nhận trang trí, triển lãm các lễ hội, Đại Hội Mặt Trận DTGP Miền Nam và các đoàn thể xung quanh Trung ương cục, kể cả minh họa cho tất cả các tờ báo của các tô chức đoàn thể, thậm chí kẻ tít phim cho xưởng phim giải phóng. Chúng tôi là lực lượng thanh niên trẻ của cơ quan, ngoài công tác chuyên môn, đương nhiên trở thành lực lượng lao động chủ lực trong việc xây dựng cứ, đào hầm, đào giếng, lò hoàn cầm, tải gạo… Thú thật tôi vốn xuất thân từ gia đình nông dân, không mấy khá giả, nhưng cha mẹ tôi cố gắng cho ăn học, vì vậy từ nhỏ đến giờ chỉ biết lo học hành, chưa bao giờ làm lao động nặng nhọc, bây giờ tôi phải phấn đấu rất nhiều, học lao động và trở thành lực lượng lao động chủ lực như những thanh niên nông dân thực thụ. Trong xây cứ, công việc đào giếng là khổ nhất, giếng sâu thì mới có nước, trong rừng cây, nên đào giếng đến 4-5m thì thiếu không khí, xuống rất ngộp, chúng tôi phải bắn súng xuống giếng rồi chặt cành cây có lá thục, mới xuống đào được, đó là khi đào còn gặp rễ cây nửa chừng gặp đá, có chỗ gặp đá cơm, có chỗ gặp đá tảng. Có lần đi công tác, tôi cùng anh Lê Minh (cán bộ tập kết ở Văn phòng Ban) đến U.40 chờ chuẩn bị thành lập tiểu đoàn Giron, chúng tôi ở ngoài trạm có giếng cho khách. Chiều tôi lấy “hăng – gô” xách nước nấu cơm, tuột dây dù “hăng – gô” chìm xuống đáy giếng. Không lấy được “hăng – gô” thì làm sao nấu cơm? Tôi lấy dao găm chặt một cây dài thả xuống giếng rồi ôm cây lặn xuống, 2 chân quơ lên được bao nhiêu là “hăng – gô” và soong nồi. Khi trồi lên mặt nước, tôi cảm thấy mặn mặn trong miệng, nhổ ra trên mặt giếng toàn là máu.
Phong trào cách mạng miền Nam ngày một lớn mạnh, các bộ phận của Ban Tuyên huấn cũng nảy nở không ngừng. Xưởng phim Giải phóng tách ra, chiêu sinh lớp quay phim chiến trường đầu tiên, các tỉnh cử lớp thanh niên lên học tập, lực lượng này về sau đã cung cấp cho kho tư liệu điện ảnh những thước phim quý giá. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh lúc quay phim chiến trường và nhiều đồng chí đã thành danh như NSND Phạm Khắc, nghệ sĩ ưu tú Đoàn Quốc và Huỳnh Trảng. Nhà in Trần Phú cũng phát triển, trang bị máy móc, in Tipo. Phòng Hội họa giải phóng cũng được tăng cường khắc gỗ, anh Ba Râu (Nguyễn Văn Tiếp) từ Cần Thơ lên, Trần Nhứt Tâm từ Bình Dương, giờ thì không cần kẻ stancil nữa, chúng tôi vẽ, các anh khắc gỗ rồi đưa sang nhà in Trần Phú in. Chúng tôi cũng ra riêng xây dựng căn cứ gần đường Trần Lệ Xuân khoảng giữa từ Bến Ra lên Tà Hốt, được bổ sung một số thanh niên các địa phương lên và anh em Việt Kiều Campuchia.
Lúc này họa sĩ Quách Phong tập kết về công tác ở khu 6. Nhận được những ấn phẩm của phòng Hội họa giải phóng ký tên Cổ Tấn Long Châu và Trang Phượng. Anh viết thư gửi vào thăm chúng tôi đề: “Kính gửi: Bác Cổ Tấn Long Châu và chị Trang Phượng…” đến giờ mỗi lần gặp nhau nhắc lại anh em đều cười vì 2 cái tên rất đặc biệt”. Đầu năm 1964, tôi đang lo chuẩn bị Hội trường cho Đại hội Mặt trận dân tộc giải phóng lần thứ II thì được tin họa sĩ Huỳnh Phương Đông về tăng cường.
Để phát triển lực lượng phục vụ cho chiến trường về các địa phương, chúng tôi tổ chức lớp hội họa tại Đội Thơ giao cho anh Huỳnh Phương Đông phụ trách, chiêu sinh học viên các tỉnh và lực lượng vũ trang.
Trong căn cứ phòng Hội họa giải phóng, chúng tôi tổ chức lớp hội họa tại chức, vừa công tác vừa học tập, tôi và Cổ Tấn Long Châu lo. Từ lớp tại chức này, nhiều anh, chị, em cấp dưỡng, tạp vụ có cơ sở sau giải phóng về học Đại học Mỹ Thuật và trở thành những họa sĩ, điêu khắc gia thực thụ.
Lần lượt anh em họa sĩ tập kết và miền Bắc về tăng cường như: Thái Hà, Lê Tâm, Lê Hồng Hải, Nguyễn Tấn Lực, Nguyễn Thái Bình, Lê Văn Chương… Nhưng ai cũng có nguyện vọng được xuống phong trào vì xa quê hương lâu rồi, nhớ quê hương, đó là nguyện vọng chính đáng, nên Trang Phượng và Cổ Tấn Long Châu đành nhường. Ở nhà đảm đương mọi công việc phục vụ cho các cơ quan Trung ương Cục.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào miền Nam (chúng tôi gọi là chú Sáu Di). Một lần chú đến phổ biến nghị quyết Trung ương cho cán bộ sơ, trung cấp Ban Tuyên huấn. Vào hội trường chúng tôi cảm thấy mình quá trẻ không dám lên trên, tôi chọn bàn cuối cùng. Chú Sáu Di giảng, thú thật dưới này tôi không hiểu gì hết. Bỗng chú dừng lại và chỉ tay xuống gọi tôi lên bàn đầu. Chú hỏi: “Bộ tôi nói giọng cọc cạch cậu nghe không được à? Ngồi đây nghe rõ hơn…”. Lòng tôi cảm thấy gần gũi và thân thiện với chú Sáu Đại Tướng.
Đầu năm 1965, tôi được giao nhiệm vụ sang chuẩn bị cho Đại hội phụ nữ. Đại hội được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ một số ít đồng chí có trách nhiệm mới được vào. Trạm gác bảo vệ thì ở rất xa. Một lần tôi vào đến trạm gác thấy chú Sáu Di đang ngồi đó, tôi chào chú rồi đi luôn, chú Sáu gọi tôi lại và nói đùa: “Họa sĩ oai hơn Đại tướng, họa sĩ đi tự do, còn Đại tướng phải ngồi chờ ở đây…”. Chú bảo: “Trang Phượng vào bảo với chị Ba Định cho tôi vào”. Tôi vào báo với cô Ba Định. Cô Ba cho người đạp xe ra đón chú. Lần khác tôi lại gặp Bác Nguyễn Hữu Thọ ngồi chờ, tôi cũng chạy vào báo cô Ba đón Bác.
HÁI HÀ (NGUYỄN NHƯ HUÂN) – Trước giờ xuất kích. 1972. Sơn khắc
Đại biểu các tỉnh về dự Đại hội, tôi tranh thủ vẽ ký họa các chị dũng sĩ, chị Tạ Thi Kiều, chị Tô Thị Huỳnh, chị Út Tịch, má Thạch Thị Thanh… Trong lúc tôi đang vẽ chị Út Tịch thì có thư hỏa tốc của Ban Tuyên huấn gọi về.
Ban thành lập đoàn văn nghệ sĩ đi chiến trường do nhà thơ Giang Nam làm trưởng đoàn, đoàn gồm có: Nhà thơ Giang Nam, Hoài Vũ, Thanh Hoàn (Hy), nhà văn Lê Văn Thảo. 2 tổ quay phim An Sơn, Phạm Khắc và họa sĩ Trang Phượng cùng Phạm Minh Sáu. Chúng tôi lên đường hành quân về Đông Bắc, đến chỉ huy sở tiền phương mới biết: Đây là một chiến dịch lớn, lần đầu tiên quân giải phóng đánh cấp sư đoàn.
Sau 3 đợt tấn công vào thị xã Phước Long, chi khu Đồng Xoài, trại huấn luyện biệt kích Bù Đốp và các vùng phụ cận, ta đã giải phóng một vùng đất rộng lớn miền Đông Nam Bộ, kết thúc cuộc chiến tranh đặc biệt. Mỹ lần đầu tiên dùng B52 rải thảm cầu Phó Bình giữa 2 xã Kiến An và Long Nguyên – Bến Cát. Để cứu giải tình thế Mỹ đưa quân vô ào ạt mở đầu cho cuộc chiến tranh cục bộ.
Chúng tôi trở về đơn vị. Lần này tự tổ chức theo đường dây giao liên về, vì còn nhiều anh em bị sốt rét nằm lại các trạm quân y chưa về được. Tôi, Phạm Minh Sáu, nhà văn Xuân Huy (quân đội) cùng tổ điện đài thông tấn xã về trước. Hầu hết anh em đều kinh qua sốt rét, riêng tôi vẫn khỏe mạnh. Đến trạm Phước Sang, chiều hôm đó tôi thấy đói, nấu đầy “hăng – gô” (1 lít gạo) chỉ ăn với muối trộn bột ngọt, tôi ăn hết ngon lành. Anh Xuân Huy sốt không ăn được anh nấu cháo, ăn còn một ca mỹ, thấy tôi ăn ngon, anh bảo: “Còn ca cháo ăn luôn đi”. Tôi ăn hết luôn ca cháo. Không biết lúc đó dạ dày tôi sao chứa nổi chừng ấy cơm, cháo. Đêm xuống tôi thấy hơi lạnh và không ngủ được, khuya thức dậy sớm, tôi nấu cơm hết cho cả đoàn. Đến khi ăn thì tôi không tài nào nuốt được, cảm thấy cơm đắng, chát làm sao ấy và bắt đầu sốt. Ước gì có 1 tán đường thì tôi ăn được cơm. Còn 3 ngày đường nữa mới về tới Long Nguyên – Bình Dương, lúc đi lên thấy ở trạm này có bán đường và kẹo. Vì vậy chúng tôi quyết tâm về Long Nguyên. Trong 3 ngày hành quân tôi không ăn được gì, chỉ lấy cơm vắt ra đổ nước vô ca dầm ra rồi uống, ba lô và súng anh em mang giúp, tôi chỉ đi không. Đến trạm Long Nguyên đã 10 giờ đêm, Phạm Minh Sáu chỉ kịp mắc cho tôi cái võng và tôi nằm không còn biết gì cả. Bác sĩ trong trạm bảo Sáu phải canh chừng tôi vì tôi sốt quá cao. Thực ra đêm đó Sáu có ngủ đâu, cùng anh em tổ điện đài mua đường trà về ăn đến sáng. Tôi thì cứ mơ mơ màng màng khát nước trên đầu võng anh em và các cô dân công Dầu Tiếng (cùng đi chiến dịch về) cứ nấu nước rồi treo bình toan lủng lẳng trên đầu võng cho tôi.
Sáng ra, chúng tôi vừa ra khỏi trạm chừng 15 phút, đến bìa rừng một trảng nhỏ thì 2 chiếc khu trục đến quần đảo rồi ném bom, không có hầm, chúng tôi cứ xoay quanh gò mối, khoảng nửa giờ chúng bỏ đi, mồ hôi ra, tôi cảm thấy khỏe hơn và chúng tôi đến căn cứ cũ của Ban Tuyên huấn Bình Dương. Chiều anh em xuống suối tắm, tôi mắc võng trong hội trường dột nát và ẩm thấp, mùi rêu bốc lên nồng nặc. Gần 6 tháng lặn lội ở các chiến trường bom đạn, tôi chưa hề đến nghĩ cái chết, mà giờ đây 2 bàn chân, đã lạnh dần lên đầu gối, tôi lấy tay ngắt không còn cảm giác. Bên ngoài chỉ có le lói chút ánh sáng xuyên qua kẽ lá. Tôi không dám nằm, ngồi dậy trông đợi anh em về, tôi cứ sợ, tôi chết mà anh em chưa về tới, chợt nhìn lên chiếc thắt lưng treo khẩu súng bên trên có cây đèn alcol, tôi mở ra lấy dầu lửa xoa bóp. Bỗng nghe tiếng anh em nói chuyện từ ngoài vào, tôi mừng vô kể. Anh em xúm lại xoa bóp chân cho tôi dần dần đôi chân ấm lại.
CỔ TẤN LONG CHÂU – Đánh đến cùng. 1965. Màu nước. 21×31,7 Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (Tư liệu: Sách Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội-Viện Mỹ thuật, 2005)
Sáng hôm sau, anh em đưa tôi đến trạm quân y, bác sĩ bảo tôi bị sốt rét ác tính, Sáu ở lại chăm sóc tôi, còn tổ điện đài về trước. Một tuần sau tôi xuất viện, chúng tôi trở về căn cứ Tây Ninh. Cuối năm Ban Tuyên huấn tổng kết thi đua, năm nay bình bầu chia làm 2 khối, khối lao động và khối trí thức. Khối trí thức họp ở B2 Tiểu ban văn nghệ đóng ở Suối Cây. Đại diện các B về họp. Chúng tôi họp hai ngày rồi đến ngày thứ ba, sáng chúng tôi uống trà với bác Trần Hữu Trang, trưởng tiểu ban văn nghệ. Đến 8 giờ sáng chúng tôi chia tay bác và trở về đơn vị, tôi đi xe đạp, anh Duy Thu (đại diện TTX) và anh Ba Dần (đại diện tiểu ban Tuyên truyền) đi bộ. Vì 2 anh đi bộ nên tôi dắt xe cùng đi cho vui, đi được khoảng 15 phút, đường về Hội trường Ấp Bắc, nơi anh em đang lo trang trí chuẩn bị cho lễ Tổng kết. Nghe có tiếng trực thăng xa xa ngoài trảng Tà Xia, chúng tôi dừng lái lắng nghe vì ở rừng ít khi nghe tiếng trực thăng, tiếp đến tiếng bom rú, vì lần đầu tiên bị B52 chúng tôi tưởng tiếng máy bay gì lạ quá, tiếp theo là tiếng nổ liên hồi, khói đen bốc lên từ hướng B2 dày đặc. Biết là B52 chúng tôi tìm chỗ núp, không có hầm hai anh chui vào bóng cây cổ thụ, tôi dựng xe đạp và núp vào gốc cây bằng lăng. Năm phút sau đợt thứ hai rủi đúng nơi chúng tôi núp, dứt tiếng bom, chung quanh chúng tôi toàn khói, không còn thấy gì tôi kêu lớn lên: “Anh Thu, anh Dần còn sống không? Coi chừng chất độc hóa học…”. Khói đen tan dần tôi ra hố bom để trú, không có hố bom, mà cây bị phát hoang như sân bóng, tôi bò vào gốc cây cũ chờ đợi, cứ 5 phút một lượt bom, liên tục 11 hiệp, chờ hơn 15 phút không thấy nó thả nữa, tôi định dẫn xe ra, thì hỡi ôi! Chiếc xe đạp của tôi gẫy xụm, còn thân cây tôi nấp lại tét ra hơn nửa, không hiểu tại sao lúc đó tôi lại nhờ hai anh khiêng cành cây ra để tôi vác chiếc xe, cây đổ ngổn ngang đi được 10m thì không sao vác xe đi được. Lúc đó tôi mới bỏ xe lại và lấy ống bơm cầm đi. Về tới B9 văn phòng ban, ba chúng tôi người đầy khói bom, mồ hôi nhễ nhại, chảy trên mặt thành những sọc như là từ ống khói chui ra. Rửa mặt sạch sẽ ai về cơ quan nấy. Đến chiều thì có hai thanh niên do chú Sáu Lăng (Bùi Kim Lăng, phó tiểu ban văn nghệ) cử đi tìm xác chúng tôi, vì chú biết rằng chúng tôi đang đi trên đoạn đường không có hầm, lại là tâm điểm của trận bom. Thấy xác xe nằm đó mà không có chúng tôi, anh em đến cơ quan thì thấy tôi còn sống. Bây giờ tôi mới biết bác Tư Trang đã hy sinh từ loạt bom đầu tiên.
Lúc này Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, sư đoàn “Anh cả đỏ” trấn giữ đường 13 – Bến Cát, sư đoàn “Tia chớp nhiệt đới” đóng ở Đồng Dù – Củ Chi. Mảnh đất Củ Chi trở thành chiến trường ác liệt nhất của Sài Gòn.
Ăn Tết xong, tôi và Nguyễn Văn Kính về chiến trường Củ Chi, cùng đi có họa sĩ Lê Hồng Hải và Phạm Quyết Chiến được phòng hội họa cử đi biệt phái cho khi Sài Gòn – Gia Định. Về tới Hố Bò, tôi gặp đồng chí Lê Hỷ Hoan (chú Tư ốm) trưởng ban tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định. Chứ Tư Ốm bảo tôi để anh Kính ở lại đào hầm, còn tôi đi ngay xuống vành đai diệt Mỹ, lúc trở về có hầm trú ẩn. Đức Hiệp cách Đồng Dù một con suối và cánh đồng nhỏ, từ bên này có thể thấy lính Mỹ ra vào. Tôi cùng Nguyễn Hồ, Thái Trần Trọng Nghĩa (thủy thủ) xuống rồi ấp đội của xã Đức Hiệp thì tối. Đêm đó chúng tôi cùng ấp đội họp dưới địa đạo và ngủ luôn dưới đó. Sáng 6 giờ tôi và Nguyễn Hồ lên trước, đang đứng tiểu dưới gốc cây sao, thì phía sau lưng một ánh chớp lóe lên và miếng bay rào rào kèm theo tiếng nổ, chúng tôi không kịp nằm xuống, chỉ kịp quay đầu lại phía sau, thấy anh ấp đội trưởng từ miệng hầm nhảy tưng lên rồi rơi xuống. Anh đã hy sinh mà tôi chưa kịp biết tên anh. Chúng tôi đến vành đai diệt Mỹ Đức Hiệp sống với đội du kích của anh Phạm Văn Cội (sau này là liệt sĩ anh hùng quân đội), ghi chép (ký họa) những hình ảnh sinh hoạt và chiến đấu của anh em du kích. Một thời gian sau chúng tôi đội rơm băng đồng sang Trung Lập Hạ ở với xã đội của anh Tư Suông và chị Tư Gừng.
Trở về Hố Bò, tôi và anh Nguyễn Văn Kính tiếp tục hành trình ven chung quanh Sài Gòn, chúng tôi về chiến khu vườn Thơm – Bình Tân, Nhà Bè, định qua Rừng Sác, nhưng tàu tuần tiễu Mỹ căng thẳng quá, không sao qua sông Soài Rạp được, ngay vận chuyển nước uống cho bộ đội cũng đã khó, nên ở đây có phong trào dũng sĩ vượt biển. Buộc chúng tôi phải chuyển hướng, trở về Bến Cát, Bình Dương xuống Lái Thiêu, Thủ Đức tìm đường đến Rừng Sác. Đến Lái Thiêu đụng trận càn lớn vào rừng Cò Mi, Mỹ đem xe ủi phá căn cứ ta mở đường (xa lộ Bình Dương bây giờ). Không xuống được nữa lại được lệnh chú Tư Ốm gọi về, không cho đi Rừng Sác nữa.
Gặp lại chú Tư ốm Ở Láng Cát – Thanh Tuyền – Bình Dương chú bảo đổi người: Tôi và Chiến ở lại, còn anh Nguyễn Văn Kính thì trở về R với anh Lê Hồng Hải. Tôi và Chiến về lại An Phú – Củ Chi sống cùng đội du kích xã An Phú. Củ Chi giờ đây không còn một cây xanh, ngụy trang hầm cũng bằng chà khô. Cứ mỗi sáng chiếc đầm già L19 vo ve, quần đảo thấy chỗ nào còn xanh là bắn trái điểm, sau đó luân phiên nhau; hết khu trực đến phản lực ném bom cho tới tối, máy bay vừa dứt là pháo từ Đồng Dù, Hậu Nghĩa, Lại Khê, Bình Dương bắn qua liên tục cho hết đêm đến hôm sau là máy bay dội bom. Ngủ dưới long đất trời mưa bốc hơi nóng vô cùng, như quy luật khoảng 12 giờ đêm chúng ngưng bắn chừng một giờ, chúng tôi bò lên nằm hóng mát nhưng không dám ngủ sợ ngủ quên. Những tháng ngày ở Củ Chi sao chúng tôi thèm được giấc ngủ vô cùng.
HUỲNH PHƯƠNG ĐÔNG – Chiến trường rừng Sác. Lụa
Cứ mỗi tháng, chúng tôi lội sông Sài Gòn sang Rạch Bắp mua thức ăn, trà, đường… và nghỉ ngơi vài ngày rồi lội về. Mỗi lần đi chờ tối, máy bay về hết chúng tôi men ra mé sông trong tiếng pháo vu vơ, chúng tôi cởi hết quần áo, súng đạn gói lại trong tấm nylon choàng, lấy lục bình phủ lên rồi ôm lội qua sông, trên trời thường là 3 chiếc trực thăng, chiếc bay cao pha đèn soi, 2 chiếc bay thật thấp bắn, khi chúng pha đèn tới chúng tôi thả trôi, qua rồi chúng tôi tiếp tục bơi… cứ thế.
Có một đêm, tôi và Chiến đang ngủ dưới hầm, có ngách thông ra địa đạo, khoảng 11 giờ thì một quả bom tọa độ nổ nghe không lớn, nhưng đất cát đổ đầy võng, chúng tôi dậy phủi đất cát và tiếp tục ngủ. Sáng hôm sau, Chiến dậy trước bò ra giếng đánh răng, giếng cách hầm chúng tôi khoảng 50m, đường ra được ngụy trang bằng những cây khoai mì khô. Trở vô Chiến nói với tôi: “Quả bom hồi hôm gần giếng lắm, giếng lở hết rồi. Đến lượt tôi bò ra đánh răng, quả như Chiến nói, tôi quan sát chung quanh không thấy hố bom trở vào tỉnh táo chúng tôi phát hiện một cửa hầm chúng tôi đã biến thành hố bom rộng lớn, nó cách chỗ chúng tôi nằm chưa đầy 2m (hầm có 2 cửa).
Cuối năm 1966, chú Tư Ốm điện về Trung ương Cục xin cho tôi và Chiến ở hẳn lại chiến trường Củ Chi. Trên không đồng ý, gọi về. Hai anh em chúng tôi lội sông Sài Gòn sang Cỏ Trách, Thanh An – Bến Cát để đi về. Lúc này Mỹ đang càn ở Dương Minh Châu, kẹt đường không về được. Gặp chú Trần Bạch Đằng, chú bảo “Sao các cậu không về? Cán bộ đang tập trung ở đây đông quá…”. Chú nhờ giao liên Ban Tuyên huấn Bình Dương đưa chúng tôi về ngả núi Cậu. Đêm đó chúng tôi qua núi Cậu đến Định Thành trời chưa sáng hẳn thì nghe tiếng bom B52 trút ầm ầm, lửa đỏ một góc trời dọc sông Sài Gòn giữa Củ Chi và Thanh Tuyền, Thanh An. Trận càn Xê-đa-phon bắt đầu (bốc vỏ trái đất).
Chúng tôi về đến nhà, rừng Tây Ninh mùa khô, về chiều không khí se lạnh, báo hiệu mùa xuân sắp đến. Ở chiến trường sôi động trở về, chúng tôi cảm thấy không khí ở đây êm ắng lạ thường. Anh em chuẩn bị đón Tết và cũng được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tiếng bom B52 lúc gần lúc xa bây giờ thì quá quen thuộc. Phòng Hội họa giải phóng lúc này nằm gần bờ sông Vàm Cỏ, cạnh nhà in Trần Phú để tiện khắc gỗ, in ấn. Trận càn Jiunction city bắt đầu, lượng B52 bỏ bom thường xuyên hơn, mỗi lúc một gần hơn. Lúc này cơ quan chúng tôi được trang bị 1 khẩu AT tăng, 1 số AK và CKC như thế cũng khá mạnh.
Tin chiến đấu từ các cơ quan trung ương cục được thông báo liên tục. Đơn vị này bắn rơi trực thăng, đơn vị kia hạ xe tăng Mỹ, anh A bắn được mấy tên Mỹ, anh B đạt chuẩn dũng sĩ diệt Mỹ. Chúng tôi rất nôn nao, mà sao khu vực chúng tôi im lặng thế, im lặng trong sự căng thẳng. Căn cứ chúng tôi nằm cách trảng chừng vài chục mét, nói là trảng vì không có cây to, chứ lao sậy thì cao khỏi đầu. Thỉnh thoảng nghe tiếng xe tăng hướng ngoài trảng, chúng tôi cho du kích săn tìm thì không thấy. Chúng tôi họp cơ quan quyết định: Người già và phụ nữ phải sơ tán qua sông Vàm Cỏ đất Campuchia, gồm các anh: Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Trần Nhất Tâm, Lê Hồng Hải, Lê Tâm (anh Lê Tâm cứ xin được ở lại chiến đấu nhưng chân anh đạp phải chông mấy ngày qua nên buộc phải sơ tán) và tất cả phụ nữ.
Lực lượng ở lại chiến đấu có: Trang Phượng, Toàn Thi, Phạm Quyết Chiến, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Quốc Thắng, Nguyễn Văn Hùng và Võ Thị Kim Liên gồm 8 người.
Đêm đó, bộ đội chủ lực về, gặp lại các anh tiểu đoàn II Trung đoàn Bình Giã, chỉ huy sở tiểu đoàn đóng bên nhà in Trần Phú, Đại đội 7 (anh hùng lực lượng vũ trang) đóng ở cơ quan phòng hội họa. Tôi rất vui mừng gặp lại anh em chiến sĩ quen thuộc mà chúng tôi đã cùng các anh tham chiến trong suốt chiến dịch Đồng Xoài. Tôi cho đưa ra hết bàn, ghế để anh em đắp lên chiến hào làm công sự, đỡ công sức phải đào hầm. Chi huy sở đại đội ở hầm của tôi, còn tôi và Kim Liên ra hầm của Toàn Thi.
Sáng hôm sau, anh em sốt ruột, đề nghị cho đi săn xe tăng. Chúng tôi cử Toàn Thi, Phạm Quyết Chiến và Nguyễn Quốc Thắng với trang bị 2 AK và một AT tăng đi ra ngoài.
TRANG PHƯỢNG – Ký họa chiến trường
Đến 10 giờ sáng chúng dội bom xối xả vào cơ quan chúng tôi, sau đợt bom là tiếng xe gầm rú kèm theo tiếng súng bộ binh. Qua đợt tấn công, một trinh sát trẻ nhanh như sóc lao xuống hầm tôi báo cáo: Khẩu DKZ 57 ở chiến hào cách hầm chúng tôi chưa đầy 20m đã bắn hạ một xe tăng. Tiếp theo là đợt bom, rồi pháo bầy… Lại đợt tấn công tiếp. Tôi cầm trái thủ pháo dù mà không biết làm sao mở nắp, phải lấy dao găm cạy ra. Cầm trên tay, chờ xe tăng tràn vào thì lao lên ném thủ pháo. Đến quá trưa tôi thấy 2 miệng hầm đầy những khúc kim loại tròn bằng ngón tay dài độ 2cm sáng chói như inox, tôi hỏi Kim Liên cái gì vậy? Kim Liên bảo: “Không biết anh Toàn Thi lượm về để làm gì…” Sau này mới biết đó là mảnh pháo tự hành của xe tăng bắn.
5 giờ chiều, đồng chí trinh sát lao vào báo tin, ta đã hạ chiếc xe tăng thứ 7 (7 đợt tấn công) DKZ gãy khóa nòng: “đề nghị anh rời vị trí, có thể xe tăng Mỹ sẽ vào thẳng hầm anh.” Tôi và Kim Liên nhảy ra khỏi hầm trong lúc bom trút như mưa. Vào hầm nhà bếp, tôi chưa kịp nghe tiếng nổ và cũng không biết mình ngất bao lâu, khi tỉnh dậy thì trận địa yên ắng, miệng tôi ngậm đầy cát, tôi nhớ mình còn bình toàn nước trà chưa uống, lấy ra súc miệng, kéo mãi bình toong không ra, lắc lắc thì không còn nước, một mảnh bom gắm vào làm bình toong dính vào ca mỹ.
Trời đã tối hẳn, chỉ còn những pháo sáng leo lét trên trời, rừng cây giờ đã trống hoang. Đến khoảng 12 giờ đêm thì Thi, Chiến, Thắng trở về báo tin đã bắn rơi một trực thăng. Các anh bên ngoài nhìn vào trận địa tưởng chúng tôi đã hy sinh hết rồi, các anh đã vất vả vượt qua bom cay để về tìm lại chúng tôi. Tôi nhìn trên ngực Chiến thấy một túi áo phất phơ, thì ra một mảnh bom phạt đứt cái túi mà Chiến không hề hay biết. 3 giờ sáng có lệnh từ tiểu đoàn yêu cầu chúng tôi rút qua đất Campuchia. Từ phòng Hội họa đến sông Vàm Cỏ chưa đầy 500m, vậy mà chúng tôi đi trong cây ngã ngổn ngang, pháo 155 và 175 ly vướng cây không nổi rơi vãi trắng như trứng vịt. Đi đến mờ sáng lại trở về đúng vị trí cũ, trời sáng hẳn xác định được phương hướng chúng tôi thẳng xuống bờ sông lội qua. Bên kia các anh chị trong cơ quan đang chờ, gặp chúng tôi mọi người khóc dữ lắm nhất là các cô gái, họ tưởng chúng tôi đã chết hết rồi.
Hôm sau, tôi, Kính và Chiến trở về chiến đấu, đến bờ sông Vàm Cỏ núp dưới một cây cầy to, trước mặt là khoảng trống nhìn về đất mình quan sát những chiếc HU1A quần đảo, bỗng một chiếc quay về hướng chúng tôi hạ thấp và áp sát cây cầy, chong chóng vướng vào nhánh cây trên đầu chúng tôi và lảo đảo đâm sầm xuống hướng nhà in Trần Phú. Sướng quá chúng tôi vỗ tay reo hò mà quên cả sự hiểm nguy.
Lội qua sông, mùa khô nên lá cây xào xạc, chúng tôi lần dò từng bước, đến gần căn cứ có một cái bàu nhỏ. Tôi nghe có mùi Mỹ, ba anh em căng mắt ra tìm, không thấy gì chúng tôi bò về ổ chiến đấu ngay gốc rào cơ quan. Chúng tôi chờ đợi đến khoảng 3 giờ chiều thì xe tăng lũ lượt từ hướng Tà Nốt kéo xuống. Kính thủ AT tăng, tôi và Chiến AK. Tôi bảo kính: “Đợi xe cuối cùng thì bắn, sau đó xuống hầm chờ qua đợt phản kích mới chạy…” Kính không đồng ý, anh ta bảo: “Tôi bắn rồi tôi chạy còn mấy ông muốn xuống hầm thì xuống…”. Tôi không cho bắn. Chúng tôi ngồi theo dõi quan sát, đoàn xe đi xuôi về Bến Ra, cứ xe đi sau bắn một loạt thì chiếc xe phục kích trồi ra rồi nối đuôi đi tiếp, đến hơn 5 giờ chiếc xe cuối cùng vừa ngang tầm súng chúng tôi thì một loạt đạn nổ ào ào trên đầu chúng tôi và chiếc xe tăng bên trong gầm rú, chúng tôi tụt xuống hầm. Tiếng xe ầm ầm, rung chuyển như động đất, nó lướt ngang qua hầm chúng tôi, hầm sập, cây gỗ gãy, đất lấp đầy đầu ba chúng tôi. Chúng tôi ngoi lên, phía Tà Nốt vắng lặng, biết rằng chúng rút quân. Kính phát hiện có hai thùng đại liên bảo tôi yểm trợ, anh bò ra lấy vào chia mỗi đứa một cái. Biết chúng rút hẳn chúng tôi ra vào lại cơ quan, không còn gì kể cả những con sóc, con cắt ké nhỏ bé cũng nằm chết, chiều xuống thỉnh thoảng lại nghe tiếng tắc kè, thùng đạn thì vô kể, chúng tôi gom lại bỏ xuống hầm để dành đựng ký họa.
Sau trận càn Jiunction city, chúng tôi chuyển về xây dựng cơ quan ngay căn cứ ban đầu của phòng hội họa. Lượm vỏ đạn bán được nhiều tiền, chúng tôi mua tol về cất hội trường khang trang. Chuẩn bị mừng sinh nhật Bác 19/5/1967 và cũng là ngày chúng tôi đón nhận năm họa sĩ từ miền Bắc chi viện vào, đó là các anh: Lê Hoàng Anh, Nguyễn Quang Bửu, Thái Đắc Phong, Trương Ngọc Lâm và Nguyễn Văn Trừ. Có tiền chúng tôi mua 1 con heo về liên hoan và mừng sinh nhật Bác.
Anh nào cũng hăng hái đòi đi chiến trường, anh Nguyễn Văn Trừ được phân công về khu II, anh Thái Đắc Phong về miền Tây Nam bộ (theo nguyện vọng được trở về quê hương của các anh).
Lúc này tôi được phân công sang Phnôm Pênh chuẩn bị cho đoàn Văn Công giải phóng sang biểu diễn. Khi trở về lại căn cứ thì được biết các anh Lê Hoàng Anh, Bửu, Lâm được phân công về chiến trường Sài Gòn. Tôi thì sẽ ra Hà Nội học tập chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến.
Thật là buồn, khi cuộc chiến đến giai đoạn quyết định thì tôi bị đi ngược về hậu phương. Đến Phnôm Pênh chờ làm hộ chiếu để đi máy bay ra Hà Nội, thì được điện Trung ương Cục gọi về không đi nữa. Xe cơ quan đại diện đưa tôi về biên giới, ngủ một đêm, hôm sau tôi lên đường về chiến trường Sài Gòn.
Đợt II, tôi và anh Thái Hòa (Hai Ngọc) phụ trách đội vũ trang công tác thành có nhiệm vụ vào xây dựng chính quyền Quận 3. Đêm 5/5/1968 chúng tôi vào đến Tân Kiên thì không vào được, đêm sau chúng tôi phải rút vào rừng Bà Dụ (Bình Chánh).
Tháng 12 năm 1968, tôi được cử lên Phnôm Pênh tổ chức triển lãm mỹ thuật tại Hoàng Cung Campuchia.
Đầu năm 1969, tôi và Cổ Tấn Long Châu được cử đi học trường Đảng, lớp dành cho cán bộ trung cấp. Đầu tháng 5/69, chiều xuống nhà ăn ăn cơm thì tôi nhận được thư hỏa tốc của chú Lưu Hữu Phước bảo về ngay, lúc khác sẽ học lại. Tất cả học viên tưởng tôi về gấp là để đi nước ngoài.
THÁI HÀ (NGUYỄN NHƯ HUÂN) – Trong rừng đước 1974. Sơn khắc, 120x140cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Tư liệu: Sách Mỹ thuật Việt Nam hiện đại, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội-Viện Mỹ thuật, 2005)
Tôi đến thẳng tiểu ban Văn nghệ gặp chú Lưu Hữu Phước, chú chỉ nói vỏn vẹn một câu: “Cậu đi ngay gặp anh Tám Chí (Huỳnh Tấn Phát) để nhận nhiệm vụ, anh Tám đang chờ cậu…”. Tôi đạp xe đi trong đường rừng mà lòng suy nghĩ mênh mang không biết là nhiệm vụ gì. 10 giờ đêm tôi đến gặp chú Huỳnh Tấn Phát. Quả thật, chú đang chờ tôi. Chú bày tất cả các bản vẽ Hội trường, đài liệt sĩ, phòng triển lãm ra trước mặt tôi và nói: “Chú lo quá chuẩn bị cho Đại hội quốc dân, mà nghe cháu đang đi học, thôi khi khác học chẳng sao, phải có cháu làm chú mới yên tâm, vì thời gian cho cháu chỉ có một tháng, ngày 6/6/1969 Nguyễn Văn Thiệu sẽ gặp tổng thống Mỹ ở Honolulu. Ta phải tiến hành đại hội trước đó. Vì tính chất lịch sử, ta phải tổ chức Đại hội trên đất Tây Ninh của mình. Cháu lo phần Hội trường, đài liệt sĩ, phòng triển lãm, Ban Tuyên huấn sẽ cấp cho cháu 70 thanh niên khỏe mạnh. Còn chiến hào, đào giếng, cất nhà cho đại biểu sẽ do lực lượng bộ đội lo. Do tuyệt đối bí mật, mọi người vào phục vụ không được ra, cho cháu chọn một giao liên và cháu thì có thể ra vào, trên cơ sở các bản vẽ này cháu làm dự trù ngay để ngày mai chuyển cho cửa khẩu họ mua cho kịp…”. Tôi ngồi vào bàn, tính toán làm bản dự trù vật tư cho Đại hội, mãi đến sáng trắng mới xong. Chú Tám Chí cũng thức luôn trắng đêm với tôi, chú đi đi, lại lại coi tôi làm việc. Xong tôi giao bản dự trù cho chú rồi đạp xe về cơ quan. Tôi chọn em Võ Thanh Hoàng là nhân viên phòng Hội họa làm giao liên và huy động toàn bộ lực lượng phòng Hội họa đến phục vụ, kể cả họa sĩ Thái Hà là trưởng phòng.
Chúng tôi kéo quân đến địa điểm, chọn vị trí cho Hội trường, đài liệt sĩ, phòng triển lãm, dọn dẹp cây rừng, lực lượng lao động thì đi ra xa cưa cây, xẻ gỗ đem về làm cột, đóng bàn ghế. Chạy đua với thời gian, chúng tôi làm không kể ngày đêm, thường mỗi đêm tôi chỉ nghỉ từ 4 đến 5 giờ sáng. Chú Huỳnh Tấn Phát cứ khoảng 2-3 giờ khuya thì xách đèn pin đi thăm động viên chúng tôi. Chú Tô Lâm được hòa thượng Thích Thiện Hào đi Hà Nội về cho mấy điếu thuốc lá Thăng Long, chú gói trong tờ giấy pelur cẩn thận tìm tôi để cho lại. Cuối cùng công việc cũng hoàn tất đúng thời gian.
Khai mạc Đại hội Đại biểu quốc dân, đứng trước cửa Hội trường, các anh Lê Hiếu Đằng, Trần Thiện Tứ ôm tôi nhấc bổng lên nói: “Ở Sài Gòn là bình thường, nhưng ở đây chốn rừng già này mà anh làm một Hội trường nguy nga, thật bất ngờ, chúng tôi không tưởng tượng nổi…”. Hội trường lớn chúng tôi lợp lá trung quân, căng la-phon bằng vải, nền đất đầu cao, lấy bao bố kết lại vẽ màu làm thảm trải từ ngoài vào. Mặt trước hội trường chúng tôi bện tre rồi tô xi măng, quét vôi, (chúng tôi nói đùa là bê tông cốt tre). Quay phim, chụp ảnh như tòa nhà thực thụ do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế.
Họp đại hội được một ngày, đến chiều chú Huỳnh Tấn Phát gặp tôi bảo: “Để đảm bảo an toàn cho đại biểu, cháu chịu cực đi xây dựng một hội trường khác nhỏ hơn và một phòng họp báo bên đất Campuchia để chính phủ sang đó họp phiên đầu tiên. Ban Tuyên huấn sẽ cho cháu 20 lính mới và thời gian hoàn tất chỉ có 48 giờ, cháu lên đường ngay đi để kịp sáng mai bắt đầu.” Tôi cầm các bản vẽ chú đưa và đạp xe đi trong đêm, qua đất Campuchia đến địa điểm mới. Sáng hôm sau, chúng tôi bắt tay làm việc, gần 50 giờ không ngủ, cuối cùng chúng tôi cũng hoàn tất công việc và Chính phủ Cách mạng lâm thời họp phiên đầu tiên như kế hoạch. Đại biểu vào họp, anh Tặng bảo vệ của chú Tô Lâm đến xách ba lô và đưa tôi qua trạm xá, đến nơi mới biết chú Tô Lâm thật chu đáo chuẩn bị cho tôi một giường nằm tại bệnh xá B14.
Bắc Tây Ninh là nơi sinh ra và trưởng thành của phòng Hội họa giải phóng, chúng tôi không ngừng lớn mạnh nhờ sự chi viện của lực lượng họa sĩ miền Nam tập kết và Miền Bắc vào, để đáp ứng có hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng lực lượng họa sĩ của phòng hội họa giải phóng cũng tổn thất khá lớn ở chiến trường. Có hy sinh rồi được bổ sung, lại hy sinh. Quân số phòng Hội họa giải phóng thường trên dưới 20 người, số họa sĩ thực thụ chưa bao giờ có mặt trên 12 người. Vậy mà chúng tôi đã hy sinh 10 họa sĩ: Trần Tấn Thanh, Hoàng Ngọc Anh – Hoàng Ngọc Hưng (2 cha con), Lê Hoàng Anh, Lê Văn Chương, Nguyễn Quang Bửu, Trương Ngọc Lâm, Võ Kế Nghiệp, Huỳnh Quốc Trọng và Trần Thanh Bình (Năm Bình Việt Kiều).
TẠP CHÍ 247 | Ms. Gin Getsu | Nguồn: vietnamfineart