Tác phẩm của họa sĩ Lò An Việt
Là một họa sĩ đang công tác tại phòng chuyên môn của Hội Mỹ thuật Việt Nam (HMTVN) nên tôi vẫn thường xuống trung tâm Mỹ thuật Đương đại (TTMTĐĐ), 61 đê La Thành để làm mấy việc nho nhỏ mà văn phòng Hội giao. Bình thường, trung tâm khá vắng lặng bởi ở đây ít nhân viên… do đặc thù riêng về vị trí địa lý cũng như chức năng hoạt động nên không sôi động như nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền. Những ngày trung tuần tháng 3 này, theo kế hoạch của Văn phòng Trung ương Hội sẽ diễn ra trại sáng tác chuyên đề sơn dầu dành cho các họa sĩ tỉnh Sơn La với sự tham gia của 9 họa sĩ: Kà Kha Sam, Lê Chương, Lò An Việt, Phạm Văn Thăng, Lò Văn Thi, Vũ Tiến Dũng, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Hoài Thu, Cà Thị Xai. Do đã từng được đi công tác phục vụ triển lãm khu vực Tây Bắc- Việt Bắc của HMTVN, được gặp gỡ những họa sĩ vùng cao thật thà, chân chất trên đó…lại thêm việc đã gặp các họa sĩ hôm khai mạc trại sáng tác…nên tôi muốn được qua gặp gỡ các họa sĩ Sơn La xa xôi để xem họ mang những “hương núi, hương rừng” xuống miền xuôi như thế nào. May quá, cùng thời điểm đó, một hôm tôi được văn phòng giao nhiệm vụ đến Trung tâm làm việc vào đầu giờ sáng, nên tôi tranh thủ rẽ qua sớm với ý định “tham quan” xem các họa sĩ đang sáng tác.
Nhìn đồng hồ mới 7h30 sáng, đầu tôi thầm nghĩ: “Tại mình “mò mẫm” đi sớm quá, không biết đã có họa sĩ nào thức dậy chưa…nhưng trong bụng lại “khấp khởi” hy vọng, biết đâu có vài bác đã dậy làm việc rồi; trại sáng tác chỉ diễn ra có 10 ngày thôi, nếu không làm việc cật lực thì khó ra những tác phẩm đẹp”. A, có một căn phòng đang hé mở, tôi ghé mắt nhìn vào. Điện trong phòng bật sáng choang, có tới… năm họa sĩ đang miệt mài làm việc. “Phải lao động thế này mới oách chứ” tôi thầm nghĩ
Xem thêm:
- Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với Triển lãm tranh “Hà Nội – Một bảo tàng sống”
- Nền nghệ thuật sơn mài Việt Nam qua những họa sĩ tiêu biểu
- Nền nghệ thuật sơn mài Việt Nam qua những họa sĩ tiêu biểu(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)(Mở trong cửa số mới)
Các đồng chí trong Ban lãnh đạo HMTVN chụp ảnh kỷ niệm với các họa sĩ tham dự trại sáng tác
Tác phẩm của họa sĩ Kà Kha Sam
Tác phẩm của họa sĩ Lò Văn Thi
Các họa sĩ nhìn thấy “có khách” tới thăm, rất niềm nở đón tiếp. Họa sĩ Lò An Việt nói với tôi: “Các chú bình minh lâu rồi và đang vẽ tại phòng ngủ đấy”. Mừng quá, tôi liền sang ngay. Thật tuyệt vời, cửa phòng rộng mở như đón ánh sáng mặt trời, đón không khí trong lành hiếm hoi sớm mai của Thủ đô. Các chú cười với tôi bằng những nụ cười tươi vui, nồng hậu…dù chỉ mới biết nhau từ hôm khai mạc trại sáng tác. Những nụ cười ấm tình người ấy khiến cảm giác dễ chịu theo tôi suốt cả ngày.
Họa sĩ Lê Chương ôn tồn nói với tôi: “Chúng tôi thức dậy sớm, đi ăn sáng, 6h30 bắt tay vào làm việc…”. Họa sĩ Kà Kha Sam thì bảo: “Trước khi xuống Hà Nội tham dự trại sáng tác, chúng tôi đã quán triệt sẽ không thông báo rộng rãi (đến các bạn của mỗi người ở đây biết) để tránh sa vào các cuộc tiếp đón, ảnh hưởng tới mục tiêu của chuyến đi vẽ dưới miền xuôi này….” Đến đây họa sĩ Lê Chương lại tiếp lời (thổ lộ): “Ở trên đó (Sơn La), chúng tôi mỗi người một công việc, mọi người trong đoàn hầu hết đều công tác trong các cơ quan nhà nước. Người làm ở hội VHNT, người làm giảng dạy tại các trường nghệ thuật địa phương… rồi lại bị chi phối bởi công việc gia đình nên rất ít có thời gian sáng tác cho cá nhân. Vì thế, khi Hội quan tâm, tổ chức cho anh em một trại sáng tác như thế này…chúng tôi quý lắm, ai cũng muốn tận dụng hết mọi thời gian có thể để tập trung sáng tác. Đây là mười ngày rất quý giá với chúng tôi…”.
Mấy chú cháu chuyện trò thêm một lát nữa và hẹn ngày bế mạc trại cùng xem tác phẩm.
Tác phẩm của họa sĩ Vũ Tiến Dũng
Tác phẩm của họa sĩ Lê Chương
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hoài Thu
Mười ngày làm việc trôi qua rất nhanh. Thế rồi, ngày bế mạc trại cũng tới. Tất cả các họa sĩ phấn khởi bày tranh ra để nghiệm thu. Ai cũng thấy vui vẻ, thoải mái về tâm lý. Kết quả của trại sáng tác bao gồm 19 tranh cho 9 người và 10 ngày làm việc. Một con số đáng khích lệ. Đúng 3h chiều ngày 25/03/2015, các đồng chí lãnh đạo trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ HMTVN đã có mặt tại TTMTĐĐ. Cùng tham dự bế mạc trại còn có giám đốc, phó giám đốc Trung tâm cùng tất cả anh chị em viên chức ở đây. Ngoài ra, còn có cán bộ phòng chuyên môn HMTVN, có phóng viên của Tạp chí Mỹ thuật đến đưa tin… Những chiếc bàn xếp hình chữ nhật được trải khăn trắng muốt; những bình hoa khoe sắc cùng những khuôn mặt tươi cười, rạng rỡ ngồi quây quần xung quanh khiến cho không khí vừa trang trọng lại vừa thân tình. Họa sĩ Trần Khánh Chương-Chủ tịch HMTVN đã có những nhận xét rất tốt về trại; khen ngợi tinh thần làm việc nghiêm túc; khen ngợi sự cố gắng của các họa sĩ và ghi nhận sự thành công của trại sáng tác lần này.
Đến phần chuyên môn, họa sĩ Lê Trọng Lân – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật hội họa, người được phân công theo dõi sáng tác của các họa sĩ dự trại cũng đã có những lời phát biểu chân tình. Ông nói, một số họa sĩ lúc đầu còn chưa được “quen tay” với sơn dầu nên có “rụt rè” nhưng sau đó đã tiến bộ hàng ngày và mạnh dạn, tự tin hơn trong việc thể hiện ý tưởng và kỹ thuật. Ông cũng khen ngợi sự tiến bộ của họa sĩ Vũ Tiến Dũng, nét cá tính trong tác phẩm của nữ họa sĩ Cà Thị Xai dù chị còn chưa thật quen với sơn dầu. Riêng với họa sĩ Kà Kha Sam (họa sĩ lớn tuổi nhất trại sáng tác) đã có nhiều lời khen ngợi dành cho ông. Họa sĩ Lê Trọng Lân khen ông vẫn giữ được “phong độ”; với tài năng của mình, “anh” “điều khiển rất tài tình” một chất liệu phổ cập như sơn dầu phô diễn được những “ưu việt” của hòa sắc mà vẫn mang đậm hương vị vùng cao Tây Bắc. Ngoài ra, các họa sĩ khác như Lê Chương, Lò An Việt, Phạm Văn Thăng, Lò Văn Thi, Nguyễn Hoài Thu cũng được nhận xét là đã sáng tác những bức tranh rất tình cảm, màu sắc hài hòa.
Tác phẩm của họa sĩ Phạm Văn Thăng
Tác phẩm của họa sĩ Cà Thị Xai
Cũng trong buổi bế mạc trại, các họa sĩ đã xúc động khi nhận được những lời nói, cử chỉ ấm áp, thân tình của các đồng chí trong Ban Lãnh đạo HMTVN. Mỗi khi họa sĩ Lê Chương giới thiệu đến họa sĩ nào thì Chủ tịch Trần Khánh Chương lại ân cần hỏi thăm cơ quan nơi họ đang công tác và đã từng học trường nào… Hay như việc các đồng chí trong Ban Lãnh đạo mang quà xuống tận chỗ họa sĩ ngồi, để trao đến tận tay từng người. Món quà nhỏ gồm dăm cuốn sách, mấy cuốn Tạp chí Mỹ thuật “cây nhà lá vườn” của Hội… tuy không có giá trị nhiều về mặt vật chất nhưng có giá trị lớn về mặt tinh thần. Và điều quan trọng nhất chính là “của tặng không bằng cách tặng” (như dân gian vẫn nói) mà các đồng chí lãnh đạo HMTVN đã dành cho anh chị em họa sĩ dự trại sáng tác.
Riêng cá nhân tôi, từ chuyến đi công tác phục vụ Triển lãm Mỹ thuật các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc- Việt Bắc của HMTVN năm 2014, đã luôn có cái nhìn thiện cảm với các họa sĩ vùng cao. Tôi “trân quý” họ về sự chất phác, thật thà, ngay thẳng, về tấm chân tình, lòng nhiệt tình, hiếu khách. Với trại sáng tác tranh Sơn dầu này, khi xem tác phẩm của các họa sĩ, tôi càng thấy rõ dù ở bất cứ đề tài nào, phong cách nào, gam màu nào… những tình cảm ấy luôn thể hiện dạt dào trong tác phẩm. Đấy cũng là những hương vị, những sắc màu đậm chất Sơn La… mà các họa sĩ mang theo, xuôi về Hà Nội…
TẠP CHÍ 247 | Ms. Gin Getsu | Nguồn:vietnamfineart.