Đã bao giờ bạn “nguệch ngoạc” mỗi khi lơ đãng? Doodle Art là gì? Cùng ad tìm hiểu phong cách vẽ đầy ngẫu hứng này nhé!
Bạn có khi nào chợt lơ đãng, trong lớp học hoặc cuộc họp nào đó, cho đến tận khi sự tập trung quay trở về thì tờ giấy trước mặt đã chật kín những hình vẽ mất rồi? Hay giả như bạn đang chán, chán đến nỗi phải nguệch ngoạcvài đường vào cuốn sổ ghi chép mới thỏa mãn được sự ngứa ngáy của đôi bàn tay? À cũng có thể, cảm hứng bỗng nhiên đến và phải túm ngay nó trước khi nó chạy mất? Một vài lần “nguệch ngoạc” như vậy trong đời, dám chắc ai cũng có!
“Nghệ thuật nguệch ngoạc” Doodle Art – con đường sáng tạo ngắn nhất là từ não đến bàn tay.
Doodle Art là gì?
Doodle Art là gì? Cùng Wiki.Designs.vn tìm hiểu ngay thôi!
Theo từ điển dịch nghĩa, cụm từ “Doodle” mô tả hành động viết hoặc vẽ nguệch ngoạc một cách lơ đãng. “Doodle” đồng thời được dùng như danh từ để chỉ một bản vẽ hay bản viết nguệch ngoạc trong vô thức, khi tâm trí của chúng ta bị chiếm đóng bởi một suy nghĩ khác.
Hiểu một cách đơn giản, Doodle Art có thể coi là một dạng nghệ thuật của tiềm thức. Doodle ghi lại suy nghĩ thông qua hình ảnh một cách ngẫu hứng, không bị ràng buộc bởi bất kì mục đích và nguyên tắc nào cả. Doodle Art, xin được tạm gọi là “nghệ thuật nguệch ngoạc”, có thể hơi trừu tượng, hơi lộn xộn, hơi khó hiểu…cũng chẳng sao, vì đây là vẻ đẹp độc đáo của Doodle được tạo nên từ sức sáng tạo không giới hạn của tiềm thức.
Các đối tượng thường thấy trong Doodle Art có thể là nhân vật hoạt hình, nhân vật hư cấu/cách điệu, hình dạng hình học, hoa văn, biểu ngữ, hình ảnh động vv…mọi đối tượng mà bạn có thể sáng tạo. Bút và giấy luôn luôn là lựa chọn số một cho những ý tưởng vừa chớm nở hoặc khi sáng tác những bứcDoodle Art. Bởi lẽ, con đường thể hiện sáng tạo nhanh nhất là cảm hứng xuất phát từ bộ não lan truyền đến bàn tay. Doodle Art đôi khi kết hợp với những phần mềm đồ họa thông dụng như Photoshop, Illustrator….Xét trên nhiều khía cạnh, Doodle cũng tương tự như Sketch (Phác thảo).
“Keep calm and draw” – Doodle Art cùng biểu ngữ.
Những nhân vật sáng tạo hay nhân vật hoạt hình cực dễ thương trong Doodle Art.
Sử dụng hình học và họa tiết trong Doodle Art.
Doodle Art đôi khi kết hợp với những phần mềm đồ họa thông dụng như Photoshop, Illustrator..
Những sự thật thú vị về Doodle
Doodle là một cách để phát triển ý tưởng sáng tạo. Doodle là hình thức chuyển đổi ý tưởng trong bộ nhớ mà chúng ta vừa cảm nhận được, vừa tương tác với chúng về mặt thị giác. Đó là dấu hiệu tự nhiên kích thích tiềm thức bạn suy nghĩ.
Doodle giúp chúng ta nhớ được nhiều thông tin hơn. Một thí nghiệm được tiến hành bởi giáo sư tâm lí học Jackie Andrade tại Đại học Plymouth ở Anh cho thấy: những người vẽ nguệch ngoạc trong khi tiếp nhận được thông tin qua điện thoại thì ghi nhớ nhiều hơn 29% so với những người không vẽ nguệch ngoạc.
Chúng ta vẽ Doodle khi nhàm chán và mất tập trung, nhưng sự thật là, đây là một biện pháp phòng ngừa bạn mất tập trung hiệu quả. Bên cạnh đó, Doodle có những ảnh hưởng sâu sắc lên sự sáng tạokhi giải quyết vấn đề và thu nhận thông tin có chiều sâu.
Kerby Rosanes – Nghệ sỹ doodle với nét bút mê hoặc.
Doodle thể hiện trạng thái và tính cách của mỗi con người. Doodle là kết quả sự tưởng tượng, quan niệm, tư duy và thậm chí là cảm xúc hiện tại của người vẽ. Vì vậy các Doodle Art hoàn toàn không lặp lại, không giống nhau. Điều này tạo nên vẻ đẹp thú vị và mang tính cá nhân của Doodle Art.
Một bức tường sẽ đầy cá tính cùng Doodle Art.
Mặc dù là “vẽ nguệch ngoạc”, một số tác phẩm Doodle Art cần không ít sự tỉ mỉ và chau chuốt.
Sáng tạo Doodle Art không khó!
Doodle Art không phân biệt xấu hay đẹp, đơn giản hay phức tạp. Doodle chỉ là cách “giết thời gian” cùng hình ảnh. Doodle là thể hiện ý tưởng, là tập trung và ghi nhớ. Vậy còn chần chờ gì nữa? Sáng tạo một tác phẩm Doodle Art của bạn ngay thôi!
Nguồn design.vn